(Baonghean) - Quyết định 969/QĐ-UBND.GT của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án bố trí điểm dừng, đỗ xe ô tô, xe máy; mở lối rẽ phải tại ngã ba, ngã tư; lắp đặt biển chỉ dẫn đường và địa danh; biển báo phân làn, phân luồng trên địa bàn thành phố Vinh có hiệu lực từ ngày 25/3/2013. Vậy nhưng đến nay Quyết định này vẫn chưa được TP.Vinh thực hiện.
 
Quyết định hay, thực hiện chậm
 
Theo Quyết định 969, Thành phố Vinh được phép bố trí điểm dừng, đỗ xe ô tô lề đường các tuyến Trường Thi, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Sỹ Sách, Lê Nin, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Quang Trung, Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Mai Hắc Đế, Đinh Công Tráng, Nguyễn Văn Trỗi, An Dương Vương, Duy Tân, Herman Gmeiner, Lý Thường Kiệt. Trong đó, đối với tuyến đường có bề rộng lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép để xe một bên, tối thiểu là 14m thì cho phép để xe hai bên; Có 36 tuyến đường được bố trí điểm dừng, đỗ xe máy trên vỉa hè với yêu cầu đặt ra là không được cản trở giao thông người đi bộ; không được để xe trước mặt tiền các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế và tại các tuyến phố tại trung tâm chính trị, văn hóa, du lịch; Tổ chức mở rộng cua và lối rẽ phải trước ngã ba, ngã tư đã lắp đèn tín hiệu gồm: ngã tư giao đường Nguyễn Du - Nguyễn Văn Trỗi, đường Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Duy Trinh, đường Lê Nin - Nguyễn Sỹ Sách, đường Lý Thái Tổ - Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Lý Thái Tổ - Nguyễn Trãi, đường Phan Bội Châu - Lê Lợi, đường Nguyễn Văn Cừ - Lê Hồng Phong - Lê Lợi. Lắp đặt biển chỉ dẫn đường và địa danh tại các nút giao lộ ngã tư Quán Bánh, ngã tư hồ cá Cửa Nam, ngã ba đường Nguyễn Sỹ Sách - Lê Viết Thuật, ngã ba Nguyễn Văn Trỗi - Dũng Quyết, ngã ba Nguyễn Viết Xuân - Dũng Quyết, ngã tư Nguyễn Du - Dũng Quyết, ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh - Lý Thái Tổ. Triển khai thực hiện thí điểm phân làn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Lê Nin và nghiên cứu tham mưu phương án cụ thể phân luồng đường...
 
Nói về Quyết định 969 của UBND tỉnh, theo Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Thành phố Vinh, Trung tá Hoàng Hữu Hà thì: "Đây là một quyết định rất cần thiết, quan trọng đối với hệ thống giao thông Thành phố Vinh mà từ mấy năm qua, Công an thành phố đã cùng một số đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện". Theo thống kê của Đội cảnh sát giao thông thành phố, tình hình tai nạn giao thông có giảm so với năm trước nhưng đến thời điểm hiện tại đã xẩy ra 84 vụ làm chết 34 người, bị thương 83 người; đã xử lý phạt trong công tác an toàn giao thông với tổng số tiền là 12.198.645.000 đồng. Vì vậy, Trung tá Hoàng Hữu Hà cho rằng, nếu sớm thực hiện Quyết định 969 của UBND tỉnh thì sẽ giảm tải ách tắc, tai nạn giao thông, đồng thời, sẽ tạo được sự văn minh trong giao thông, tăng vẻ đẹp mỹ quan đô thị. Ngược lại, nếu Quyết định 969 chậm được thực hiện, khi đô thị ngày một phát triển về mọi mặt, quỹ đất không còn thì một thời gian nữa tình trạng ách tắc giao thông ở Thành phố Vinh sẽ tăng cao như tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
 
images889708_2.jpgĐường Đinh Công Tráng (TP.Vinh) trong giờ cao điểm.
Công ty CP quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh - đơn vị quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị có đánh giá khá kỹ những bất cập, tồn tại về hệ thống giao thông thành phố. Theo đơn vị này, dù đã có những thay đổi đáng ghi nhận nhưng hệ thống giao thông ở Thành phố Vinh vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, không đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng một số tuyến đường chưa được giải quyết triệt để. Việc quản lý cao độ giữa các đường nhánh trong khu dân cư với đường phố chính nhiều nơi còn tùy tiện. Cao độ đường phố chính thấp hơn, tầm nhìn từ đường nhánh, ngõ trong khu dân cư ra đường phố chính bị che khuất tầm nhìn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và mất mỹ quan đô thị.
 
Tại các giao lộ đường phố chính, trong quá trình quy hoạch không được quy hoạch giải pháp chống ùn tắc tại các điểm đèn tín hiệu giao thông. Việc mở các lối rẽ trước, rẽ phải không đủ điều kiện, diện tích. Một số giao lộ, nút giao thông bị che khuất tầm nhìn, việc giải phóng mở rộng cua đường hết sức khó khăn. Nhiều điểm giao lộ ngã 3, ngã 4 quá trình phát triển đô thị mật độ tham gia giao thông tăng nhanh chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông kịp thời. Hệ thống biển quy định phân làn, phân luồng và các quy định liên quan thiếu đồng bộ gây cản trở cho người tham gia giao thông nhận biết để chấp hành.
 
Quy hoạch và xây dựng, bố trí các bến bãi, điểm dừng đậu phương tiện ô tô, xe máy đã có chủ trương trong nhiều năm nhưng việc chỉ đạo thực hiện chậm... Vậy nên, Quyết định 969 của UBND tỉnh ra đời với đầy đủ chi tiết phương án bố trí điểm dừng, đỗ xe ô tô, xe máy; mở lối rẽ phải tại ngã ba, ngã tư; lắp đặt biển chỉ dẫn đường và địa danh; biển báo phân làn, phân luồng là rất quan trọng cho sự thay đổi hệ thống giao thông Thành phố Vinh.
 
Ông Bùi Đức Lộc - Giám đốc Công ty CP quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Thành phố Vinh cho biết,  khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 969, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, công ty đã tham mưu thành phố thực hiện phân kỳ đầu tư triển khai thực hiện dự án làm 3 giai đoạn từ năm 2013 - 2015 với tổng kinh phí thực hiện là 26 tỷ đồng. Theo đó, năm 2013 sẽ thực hiện phân kỳ 1, gồm: bố trí điểm dừng, đỗ ô tô trên tuyến đường Trường Thi, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Quang Trung, Lê Duẩn; bố trí điểm đỗ xe máy trên vỉa hè 9 tuyến đường; lắp đặt biển chỉ dẫn và địa danh tại các nút giao lộ ngã tư Quán Bánh, ngã tư hồ cá Cửa Nam, ngã ba đường Nguyễn Sỹ Sách - Lê Viết Thuật, ngã ba Nguyễn Văn Trỗi - Dũng Quyết; ngã ba Nguyễn Viết Xuân - Dũng Quyết, ngã tư Nguyễn Du - Dũng Quyết, ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh - Lý Thái Tổ; Mở rộng cua và lối rẽ phải tại ngã tư Nguyễn Du - Nguyễn Văn Trỗi, ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Duy Trinh. "Kế hoạch phân kỳ đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận. Kỳ 1 thực hiện từ năm 2013 có tổng mức đầu tư là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì thành phố khó khăn về kinh phí nên cho đến nay vẫn chưa thể triển khai. Chúng tôi hy vọng sẽ có kinh phí để thực hiện phân kỳ 1 vào đầu năm 2014..." - ông Lộc nói.
 
Cần tăng cường thu phí giao thông đường bộ!
 
Ông Bùi Đức Lộc cho biết, do điều kiện nguồn ngân sách gặp khó khăn, ngày 6/9/2013, UBND Thành phố Vinh đã có Tờ trình số 3959/TTr-UBND gửi UBND tỉnh, đề nghị tỉnh tạo điều kiện bố trí nguồn kinh phí thực hiện dự án từ nguồn trích từ Quỹ Bảo trì đường bộ, nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông và các nguồn khác. Ngày 25/10, UBND tỉnh có Công văn số 7616 về việc tham mưu bố trí kinh phí gửi Sở Tài chính, trong đó giao sở này chủ trì phối hợp với Sở GTVT thực hiện công tác tham mưu. Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT, cho đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương trích từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ hàng năm để thực hiện dự án bố trí điểm dừng, đỗ xe ô tô, xe máy; mở lối rẽ phải tại ngã ba, ngã tư; lắp đặt biển chỉ dẫn đường và địa danh; biển báo phân làn, phân luồng trên địa bàn Thành phố Vinh.
 
Tuy nhiên, để có nguồn từ Quỹ Bảo trì đường bộ, UBND Thành phố Vinh phải tích cực kiểm tra, đôn đốc các phường, xã trên địa bàn đẩy mạnh công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô. Theo số liệu tổng hợp của Quỹ Bảo trì đường bộ, cho đến ngày 15/11/2013, toàn Thành phố Vinh mới chỉ thu được 604 triệu đồng từ việc thu phí (mới chỉ có các phường Lê Lợi, Hà Huy Tập, Cửa Nam, Vinh Tân, Trường Thi, Đội Cung thực hiện việc thu phí). Ông Nguyễn Hồng Kỳ nói: "Việc đóng nộp phí giao thông đường bộ đã là quy định của Nhà nước. Đây cũng là trách nhiệm của mọi người dân đối với công tác bảo trì giao thông đường bộ. Vì vậy, Thành phố Vinh cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu, từ đó tự giác tích cực tham gia...". 
 
Tìm hiểu việc triển khai thu phí giao thông đường bộ ở Thành phố Vinh, được biết, ngày 15/8/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND về việc quy định đối tượng, mức thu, phương thức thu, tỷ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh, thì đến ngày 22/8/2013 UBND Thành phố Vinh đã triển khai thực hiện việc thu phí trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp một số vướng mắc về mức thu đối với các loại xe chở hàng 4 bánh; việc kê khai và thực hiện thu phí với các đối tượng tạm trú; việc thu phí đối với những xe chưa chuyển chủ sử dụng... Bởi vậy, UBND thành phố đã có công văn đề nghị ngành liên quan hướng dẫn, và đến ngày 18/10/2013 mới hướng dẫn được chi tiết để các phường, xã thực hiện công tác thu phí.
 
Theo cán bộ phòng Tài chính - Kế hoạch Thành phố Vinh, công tác đôn đốc việc thu phí giao thông đường bộ được lãnh đạo thành phố tập trung cao độ, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao. Ngày 5/11/2013, UBND Thành phố Vinh đã có Công văn số 5120 về việc đẩy nhanh tiến độ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã khẩn trương thực hiện kê khai và tổng hợp các tờ khai phí sử dụng đường bộ, tổ chức việc thu phí hoàn thành trước ngày 15/11/2013. Công văn 5120 cũng nêu rõ: Quá thời gian này, UBND phường, xã nào không hoàn thành việc thu phí đường bộ, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND thành phố!
 
Vậy nhưng, nắm bắt thông tin từ một số phường, xã thì dù đã có văn bản chỉ đạo khá quyết liệt của UBND Thành phố Vinh, tình hình triển khai thu phí thực hiện vẫn chậm. Ngoài một số đơn vị tổ chức thu phí tốt như phường Lê Mao (thu được 187 triệu đồng), xã Hưng Lộc (thu được 362 triệu đồng) thì vẫn có phường, xã mới chỉ hoàn thành việc kê khai như phường Hồng Sơn, xã Nghi Phú... Xã Nghi Phú có tới trên 3.300 phương tiện xe mô tô, khó khăn được nêu là do đặc thù dân cư khá phức tạp; phường Hồng Sơn có gần hơn 1.900 phương tiện xe mô tô, lý do chậm thu là bởi dù UBND phường đã triển khai sớm nhưng cán bộ khối phố đùn đẩy thực hiện việc tổ chức thu...
 
Không khó để thấy rằng từ vài năm gần đây, vào giờ cao điểm hoặc các ngày có lễ hội, đã có rất nhiều tuyến đường của thành phố bị tắc nghẽn trong thời gian tương đối dài. Những tuyến đường thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông như đường Đinh Công Tráng, Lê Hồng Phong, Ngư Hải... Trong khi đó, do chưa thực hiện bố trí điểm dừng, đỗ của ô tô, xe máy nên dọc theo các tuyến đường Trường Thi, Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Lê Duẩn... ô tô, xe máy dừng, đỗ tùy tiện trên lòng đường, vỉa hè vừa gây mất trật tự giao thông, vừa làm xấu mỹ quan đô thị. Trước thực trạng này, cần đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện Quyết định 969 của UBND tỉnh. Khó khăn về vấn đề kinh phí là không phải bàn cãi, tuy nhiên, UBND tỉnh đã mở hướng cho UBND thành phố khi cho phép sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ thu được trên địa bàn. Bởi vậy, Thành phố Vinh một mặt tăng cường công tác thu phí giao thông đường bộ, mặt khác, nên kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm ứng nguồn từ quỹ này để triển khai việc thực hiện các nội dung Quyết định 969 của UBND tỉnh.
 
- Ngày 6/12/2013, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh Lê Quốc Hồng đã cho biết, ông đã xin ý kiến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền và Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ về việc cho phép UBND Thành phố Vinh được tạm ứng kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung Quyết định 969 của UBND tỉnh và đã nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng nhắc nhở Thành phố Vinh tập trung cao độ hoàn thành công tác thu phí giao thông đường bộ. 
 
- Ngày 19/1/2012, UBND tỉnh có Quyết định 265/QĐ-UBND.CN về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng Hệ thống nút giao thông cầu vượt, bãi đậu xe và công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố Vinh (Quyết định 969/QĐ-UBND.GT là một phần của Quyết định 265). Theo Quyết định 265, Thành phố Vinh  được quy hoạch 14 nút giao thông cầu vượt (5 nút trong phạm vi thành phố hiện nay, 9 nút tại khu vực mở rộng); quy hoạch 5 bến xe, 4 bãi đậu xe tải. Điều chỉnh, nâng cấp 9 bãi đậu xe đã có quy hoạch từ trước, quy hoạch các bãi đậu xe trên tất cả cấp phường, quy hoạch điểm dừng, đỗ xe con; Quy hoạch 72 công trình vệ sinh công cộng. Trong khối lượng công việc đồ sộ này, cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ khởi công xây dựng cầu vượt tại xã Nghi Liên.
 
Hà Giang