(Baonghean) - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến 30/6/2013, toàn tỉnh có 6. 810 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 4.201 người đang sinh sống ở cộng đồng; 1.880 người đang cai nghiện tại các Trung tâm GD - LĐ - XH, phạm tội bị giam, giữ tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; 21/21 huyện, thành, thị và 346/480 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy.
 
images890052_4c.jpgHọc viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 1 chơi thể thao.
Nghiện ma tuý được xem là căn bệnh xã hội và đưa lại những hệ lụy khôn lường. Qua con đường tiêm chích ma túy dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS, gia đình có người nghiện bị khủng hoảng về tinh thần, khánh kiệt về tài sản; Nhà nước phải gánh nặng về ngân sách chi cho hoạt động cai nghiện; đối với xã hội thì nguy cơ lây truyền, phát sinh thêm người nghiện, phát sinh tệ nạn buôn bán, tàng trữ chất ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản... Chính vì vậy, công tác cai nghiện ma túy luôn được các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội quan tâm.
 
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 194/2007/NQ-HĐND, ngày 25/7/2007 thông qua một số chính sách cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm sau cai cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo đó UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác tác cai nghiện. Đáng quan tâm nhất là Quyết định số 2311/QĐ-UBND, ngày 22/6/2011 về việc ban hành Chương trình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 90/2012/QĐ-UBND, ngày 18/12/2012 về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
 
Hàng năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều giao chỉ tiêu bắt buộc cai nghiện cộng đồng và tại gia đình cho các huyện, thành phố, thị xã; ký cam kết với các huyện, thành, thị và các Trung tâm Giáo dục lao động xã hội về việc thực hiện các chỉ tiêu cai nghiện, quản lý sau cai và xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Theo đó, ở cấp huyện, hàng năm chỉ đạo chính quyền cấp xã rà soát, thống kê số người nghiện, lập hồ sơ quản lý; lập và tổ chức thực hiện kế hoạch cai nghiện ma túy...
 
Công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh hiện tại đang áp dụng hai hình thức, đó là cai tập trung và cai tại cộng đồng. Mô hình cai nghiện tập trung được thực hiện tại 6 trung tâm GDLĐXH và 1 Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy. Tính từ năm 2012 đến 6 tháng năm 2013 tại các trung tâm thực hiện cai 1.608 lượt người, chiếm tỷ lệ 50,5% tổng số người được cai nghiện. Thời gian cai nghiện được áp dụng đối với các đối tượng cai nghiện tại trung tâm là 2 năm (mức tối đa theo quy định) và các đối tượng có thể được xét giảm thời gian chấp hành (từ 1-3 tháng). Mô hình cai nghiện tại cộng đồng và gia đình được triển khai ở 21/21 huyện, thành phố, thị xã với nhiều hình thức và có 1.575 lượt người tham gia (chiếm tỷ lệ 49,5%). Chương trình điều trị nghiện bằng chất thay thế Methadone đã tiếp nhận được 259 hồ sơ đăng ký điều trị và hiện đang điều trị cho 198 bệnh nhân bằng Methadone. Kinh phí hỗ trợ cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai từ Chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2012, tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống ma túy là: 16,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 7 tỷ đồng.
 
Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh khẳng định: “Mặc dù đã có sự tập trung đầu tư cao về nhân lực, vật lực và kinh phí, nhưng công tác cai nghiện vẫn chưa đạt như mong muốn. Tỷ lệ người nghiện ma túy được áp dụng các hình thức, biện pháp cai nghiện là 3.050/6.810 người nghiện, đồng nghĩa với việc vẫn còn trên 50% chưa thực hiện cai nghiện. Thêm vào đó số người cai nghiện thành công đạt tỷ lệ thấp, tái nghiện trên 95%. “Hiệu quả của công tác cai nghiện mới chỉ dừng lại ở cắt cơn, phục hồi sức khỏe và quản lý có thời hạn (đối với cai nghiện tại các trung tâm GDLĐXH) hoặc chỉ dừng lại ở khâu cắt cơn (đối với cai nghiện tại cộng đồng)”. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người nghiện thực hiện các biện pháp cai nghiện thấp là do công tác cai nghiện chưa hiệu quả, bằng chứng tỷ lệ tái nghiện chiếm trên 95%. Tỷ lệ tái nghiện cao không nằm ở vấn đề kinh phí mà cái chính là ý chí của người nghiện. Thực tế, có nhiều người nghiện vào trung tâm cai nghiện nhiều lần nhưng vẫn chưa từ bỏ được ma túy. Gần 10 năm “sống chung“ với heroin, anh L (SN 1963), trú tại phường Hà Huy Tập, phải trải qua bao dày vò, day dứt, vật vã với chính bản thân mình, nhiều lần tự cai nghiện nhưng không thành. Cách đây 3 tháng, L tự nguyện đăng ký vào Trung tâm GDLĐXH I để cai nghiện với quyết tâm cai bằng được. Tuy nhiên, đối với những người như anh L khi đã vướng vào ma túy thường rất khó cai. Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng phòng Tư vấn giáo dục, Trung tâm GDLĐXH I, cũng thừa nhận: “Chức năng chính của trung tâm là tư vấn giáo dục và cắt cơn giải độc, đào tạo nghề cho những đối tượng nghiện. Thực tế có những đối tượng vừa ra đã tái nghiện ngay, nên nói đến hiệu quả cai nghiện cần phải tính đến họ đã cai được trong bao lâu, cai được ngày nào thì tính hiệu quả đến thời điểm ấy”. 
 
Ngoài ra còn do nhận thức, trách nhiệm và sự kiên trì của một số địa phương còn hạn chế, nhất là khi thấy công tác cai nghiện không có kết quả ngay nên không muốn tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mà trông chờ, ỷ lại vào các Trung tâm GDLĐXH. Đa số các địa phương thực hiện quản lý người nghiện sau cai mới chỉ dừng lại ở việc làm thủ tục tiếp nhận, quản lý tạm trú, tạm vắng người nghiện sau khi trở về từ các trung tâm, mà chưa có kế hoạch để quan tâm giúp đỡ họ ổn định tâm lý, sức khỏe, phòng chống tái nghiện; tổ chức dạy hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tạo việc làm cho họ. Mặc dù đã có chính sách vay vốn tạo việc làm cho người sau cai, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng lao động là người đã cai nghiện nhưng hầu hết người nghiện sau cai và doanh nghiệp đều chưa tiếp cận được nguồn vốn...
 
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan nêu trên, về khách quan mà nói, nghiện ma túy là một loại bệnh mãn tính, chưa có thuốc điều trị hiệu quả mà chỉ có thuốc hỗ trợ. Mặt khác, trong công tác cai nghiện ở Việt Nam mới chỉ có phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy là thuốc phiện. Tuy nhiên, hiện nay người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đa phần là nghiện ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá nhưng lại chưa có phác đồ điều trị; hoạt động buôn bán, sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng; số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy chiếm 72% (346/480); số người nghiện nằm ngoài danh sách được quản lý và chưa áp dụng biện pháp cai nghiện còn nhiều..., tất cả tạo ra “môi trường” không trong lành để giúp người nghiện có thể từ bỏ hẳn với ma túy, dẫn đến hiệu quả cai nghiện thấp.
 
Rõ ràng, công tác cai nghiện không phải là việc dễ và ngày một ngày hai mà phải lâu dài, kiên trì, nỗ lực của cả hệ thống cộng đồng xã hội và chính người nghiện. Mặt khác, để công tác cai nghiện có hiệu quả, vấn đề đặt ra là phải làm tốt công tác quản lý và kiểm soát tái nghiện. Ông Đào Xuân Lục - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ - TB và XH, cho rằng: Quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tuyên truyền để gia đình cộng đồng nơi những người nghiện sinh sống cùng chung tay vào cuộc, tạo cho người nghiện có môi trường sống lành mạnh nhất, ổn định nhất về tâm lý. Và chính gia đình người nghiện không được nản chí trong việc vận động con em họ tự nguyện cai nghiện”. Nhìn nhận ở góc độ khác, bà Thái Thị An Chung – Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, cho rằng: “Chính phủ cần nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng để thống nhất chương trình, giáo trình giáo dục trong các Trung tâm GDLĐXH, Trung tâm quản lý sau cai trên cả nước; xây dựng phác đồ điều trị đối với người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá. Về phía tỉnh cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện...”.
 
Bài, ảnh: Minh Chi - Thanh Nga