Một tư lệnh giấu tên của quân đội chính phủ Syria cho biết, cuộc tấn công mới sẽ nhằm vào các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Nusra ở trại Yarmouk và quận al-Hajar al-Aswad. Các nhóm nổi dậy ở khu vực lân cận Beit Sahm cũng sẽ rút lui bằng xe bus sau khi đạt thỏa thuận với chính phủ, theo Reuters.
Việc giành lại trại Yarmouk và các khu vực lân cận thành phố phía nam này sẽ giúp Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát hoàn toàn thủ đô Syria, tiếp tục củng cố quyền lực.
Yarmouk, trại lớn nhất Syria dành cho người tị nạn Palestine từ giữa thế kỷ 20, đã nằm dưới sự kiểm soát của IS trong vài năm gần đây. Mặc dù phần lớn dân cư đã bỏ trốn khỏi Yarmouk, Liên Hợp Quốc cho biết hàng nghìn người vẫn mắc kẹt.
Cuộc tấn công ở Đông Ghouta bắt đầu vào tháng 2 và kết thúc hôm 14/4 với thắng lợi của quân chính phủ, chỉ vài tiếng sau khi Mỹ và đồng minh không kích Syria, đã tạo động lực lớn cho cuộc tấn công sắp tới. Sau khi chiếm lại Đông Ghouta, ông Assad vẫn phải giành lại một số khu vực nhỏ cũng như hai khu vực chính ở tây bắc và tây nam từ phiến quân.
Bên cạnh phía nam Damascus, quân nổi dậy vẫn chiếm giữ thị trấn Dumayr ở phía đông bắc Damascus, vùng núi phía đông Qalamoun, và xung quanh Rastan, ở phía bắc tỉnh Homs.
Tư lệnh này cho biết quân đội Syria đã chuẩn bị cho hoạt động quân sự ở đông Qalamoun nhưng Nga đang dàn xếp để các chiến binh rút lui trong hòa bình. Truyền hình quốc gia Syria hôm 17/4 cho biết quân nổi dậy ở Dumayr cũng đã đồng ý rút lui.
Ở tây bắc Syria, khu vực lớn nhất hiện còn do quân nổi dậy kiểm soát, cuộc tấn công của chính phủ có thể đẩy Damascus vào tình thế đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã thiết lập nhiều trạm giám sát quân sự trong khu vực.
Trong chuyến thăm Damascus tuần trước, Ali Akbar Velayati, một quan chức cấp cao của Iran cho biết ông hy vọng quân đội sẽ sớm giành lại Idlib và các khu vực đông bắc Syria hiện đang dưới quyền kiểm soát của Liên minh các lực lượng người Kurd và Arab được Washington hỗ trợ.
Hơn 500.000 người đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng Syria. Quốc gia Trung Đông này cũng trở thành nơi toan tính lợi ích của các cường quốc trên thế giới.
Dưới sự hỗ trợ của không quân Nga từ cuối năm 2015, Tổng thống Assad đã giành lại phần lớn diện tích ở Syria, giúp vị trí của ông được củng cố nhất kể từ khi cuộc xung đột xảy ra ở quốc gia này cách đây 7 năm.
Hôm 14/4, liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã tấn công phối hợp vào Syria bằng 105 tên lửa. Cuộc tấn công này là phản ứng của Mỹ và đồng minh sau cáo buộc chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công thành phố Douma, Đông Ghouta khiến hàng chục người thiệt mạng. Damascus và Moskva phủ nhận cáo buộc này, khẳng định không có vụ tấn công hóa học nào ở Douma và những gì đã xảy ra chỉ là "dàn dựng".
Một nhóm thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) ngày 17/4 đã tới Douma. Nhóm chuyên gia của OPCW sẽ tiến hành thu thập mẫu, phỏng vấn nhân chứng các tài liệu bằng chứng để xác định xem các chất độc bị cấm có được sử dụng tại đây hay không.