1. Tấn công Syria "không giải quyết vấn đề gì"
Đó là thừa nhận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Nghị viện châu Âu ngày 17/4, song ông nhấn mạnh ba nước Mỹ-Anh-Pháp buộc phải thực hiện bước đi này để bảo vệ "danh dự" của cộng đồng quốc tế.
Ông nhấn mạnh hoạt động này được triển khai theo một cơ chế đa phương hợp pháp, cũng như theo cách thức tấn công trúng mục tiêu mà không gây thương vong, qua đó phá hủy 3 cơ sở được cho là nơi sản xuất hoặc tàng trữ các vũ khí hóa học tại Syria.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Pháp lo ngại "nhiều khả năng" bằng chứng đã biến mất khỏi hiện trường vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ở Syria trước khi các thanh sát viên quốc tế tiếp cận khu vực này.
2. Chuyên gia của OPCW đến Douma
Các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã đến thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus trong ngày 17/4 để thực hiện nhiệm vụ xác định xem có xảy ra một vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Douma hay không. Dự kiến công tác điều tra vụ tấn công hóa học tại Douma sẽ bắt đầu vào ngày 18/4.
3. Nga chặn đứng âm mưu tấn công khủng bố
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã chặn đứng được một âm mưu tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực Rostov.
Trong chiến dịch này, lực lượng an ninh và cảnh sát đã phối hợp bắt giữ 3 đối tượng nhận lệnh của IS tại Syria và lên kế hoạch tấn công khủng bố quy mô lớn với các thiết bị nổ, súng lục tại khu vực Rostov, thuộc vùng liên bang phía Nam của Nga.
Thủ lĩnh nhóm này đã kích hoạt thiết bị nổ và thiệt mạng tại chỗ khi đang chống trả lực lượng an ninh. Tại hiện trường, cảnh sát cũng tịch thu được súng trường AK-47, lựu đạn, đạn dược, thiết bị nổ tự chế, các phương tiện liên lạc và những thiết bị điện tử chứa thông tin tuyên truyền về hoạt động của IS. Hiện công tác điều tra rộng hơn đang được tiến hành.
4. Hai miền Triều Tiên sắp kết thúc chiến tranh?
Seoul và Bình Nhưỡng có thể đưa ra một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 27/4 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nội dung tuyên bố sẽ đề cập tới việc hai nước tìm cách giảm căng thẳng quân sự và chấm dứt đối đầu.
Tâm điểm chương trình nghị sự hội nghị liên Triều sẽ gồm ba phần: phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hòa bình và những tiến triển trong quan hệ liên Triều.
Nếu thành công, cuộc gặp của lãnh đạo hai miền Triều Tiên có thể giúp dọn đường cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6.
5. Trung Quốc biên chế tên lửa đạn đạo hạt nhân mới
Lực lượng Tên lửa chiến lược của Trung Quốc gần đây mới tiếp nhận một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Mẫu tên lửa mới này có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, được sử dụng trong các hoạt động đáp trả hạt nhân hoặc tấn công mọi loại tàu chiến của đối phương từ khoảng cách tầm trung đến tầm xa.
Theo truyền thông Trung Quốc, tên lửa cải tiến mạnh hơn phiên bản DF-21D cũ 30% và có thể loại khỏi vòng chiến đấu tàu sân bay cùng các chiến hạm hộ tống của đối phương, nhưng dữ liệu về các lần thử nghiệm của tên lửa này không được tiết lộ.
Trang Sina cho biết đây nhiều khả năng là DF-26, mẫu tên lửa tầm trung - xa của Trung Quốc có thể bay với vận tốc siêu âm, được cho là có thể vươn tới đảo Guam, cách bờ biển Trung Quốc hơn 3.200 km.
6. Cựu điệp viên Nga bị tấn công bằng chất độc thần kinh "dạng lỏng"
Cục Môi Trường, Thực phẩm và Vấn đề nông thôn của Anh Quốc (DEFRA) cho biết thông tin trên. Theo đó, địa điểm chính mà những kẻ tấn công nhắm tới là ngôi nhà của ông Skipal tại Salisbury. Nghĩa địa London Road, nơi con trai và vợ của cựu điệp viên Nga yên nghỉ, không bị tấn công.
DEFRA cũng tiết lộ các nỗ lực đang được thực hiện nhằm khử độc các khu vực ở Salisbury nơi chất độc hóa học được tìm thấy, cũng như các thông tin chi tiết về vụ đầu độc.
Theo DEFRA, tổng cộng 9 địa điểm cần được làm sạch, trong đó có các trạm cứu thương, nhà của ông Skipal, và các địa điểm khác nhau trên khắp London, bao gồm nhà hàng Mill Pub và Zizzi, nơi bố con cựu điệp viên ghé vào ngay trước khi bị phát hiện trong tình trạng bị rối loạn.
Gần 200 nhân viên quân sự của lục quân và không quân hoàng gia Anh sẽ trợ giúp quá trình làm sạch, dự kiến kéo dài vài tháng.
7. Báo chí Mỹ đoạt giải Pulitzer danh giá
Tờ báo New York Times và tạp chí New Yorkers của Mỹ vừa cùng giành giải Pulitzer cho việc đưa tin về các cáo buộc quấy rối tình dục ở kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood. Các phóng sự của hai cơ quan báo chí này đã hạ gục ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein, người bị tố có hành vi tình dục sai trái, thậm chí là hiếp dâm. Các cuộc điều tra đã sản sinh ra phong trào #MeToo - một cuộc phản kháng sâu rộng chống lại nạn quấy rối tình dục trong nhiều ngành nghề ở Mỹ, lan ra nhiều nước khác.
Tờ Washington Post cũng đoạt giải điều tra vì đã tiết lộ các cáo buộc tồn tại hàng thập kỷ về hành vi tình dục không đúng đắn của ứng viên Thượng viện Mỹ Roy Moore. Hãng thông tấn quốc tế Reuters đoạt hai giải Pulitzer năm 2018, cho việc đưa tin về cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và phóng sự ảnh về cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar.
8. Nhật Bản huy động 6.600 cảnh sát truy lùng tù nhân "gương mẫu"
Nhật Bản đã cử 6.600 cảnh sát truy tìm một tù nhân trốn khỏi nhà tù ở Imabari, tỉnh Ehime - trại giam hoạt động theo mô hình mở, cho phép các tù nhân đi lại tự do nếu cải tạo tốt. Tù nhân Tatsuma Hirao, 27 tuổi, mắc tội trộm cắp nhiều lần đã biến mất khỏi nơi giam giữ 1 tuần qua nhưng công cuộc tìm kiếm đối tượng này vẫn chưa có kết quả.
Vụ việc đã gây chú ý trong dư luận Nhật Bản, thậm chí các đài truyền hình còn tường thuật diễn biến vụ săn lùng Hirao từng phút.
Sau 1 tuần tìm kiếm, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yoko Kawakami đã gửi lời xin lỗi tới người dân. Phía cảnh sát đã điều thêm 96 sĩ quan bảo vệ ngày đêm các trường học trên đảo Makaishima, Hiroshima, nơi cảnh sát nghi đối tượng Hirao đang lẩn trốn./.