(Baonghean.vn) - Tháng 10/1947, giữa những ngày kháng chiến chống Pháp đầy cam go, nhận thấy trong lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các tổ chức của bộ máy Đảng, Chính phủ còn non trẻ bắt đầu có những biểu hiện không tốt có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc kháng chiến, để chấn chỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
Trong tác phẩm này, Người đã chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên và những biện pháp cần thiết để đẩy lùi những khuyết điểm, lệch lạc đó. Đó là những biểu hiện như: không giữ vững được tính cách mạng trong mỗi công việc của Đảng; thiếu chí công vô tư; không giữ được kỷ luật nghiêm từ cấp trên xuống cấp dưới; không gần dân, lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân và nhất là không làm việc đến nơi, đến chốn.
Nguyên nhân của những khuyết điểm đó là do nhận thức, tư tưởng chưa đúng, mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi, ưa dùng "cánh hẩu", kéo bè kéo cánh, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân; ưa ba hoa, nói dông dài, cẩu thả...
Để khắc phục, Người chỉ rõ phải thực hiện bằng cách “phê bình và sửa chữa” để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, giúp nhau cùng tiến bộ và củng cố đoàn kết và thống nhất nội bộ. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải theo nguyên tắc “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”.
Muốn sửa đổi được phải dựa trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tìm ra nguyên nhân, biện pháp và cách thức tiến hành để cán bộ, đảng viên có tư tưởng, đạo đức và cách làm việc đúng hơn, khéo hơn, hiệu quả hơn. Nội dung cần phải sửa đổi là toàn bộ hoạt động của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên từ nhận thức, tư tưởng đến chỉ đạo tổ chức thực hiện. Sau khi tác phẩm đó ra đời, công tác chỉnh đốn Đảng đã được thực hiện nghiêm túc, kịp thời trong toàn Đảng.
Tuy nhiên, cùng với thời gian cũng như những thay đổi của tình hình thực tiễn, những biểu hiện thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được Người chỉ ra tròn 80 năm trước dường như không giảm, trái lại, ngày càng gia tăng theo thời gian với mức độ cao hơn và trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Mà như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) là: Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Chính vì thế, Đảng ta đã quyết định ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự “diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để nhằm tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để đẩy lùi nguy cơ đó.
Đã 80 năm trôi qua, nhưng đến nay “Sửa đổi lối làm việc” vẫn tỏa sức sống mãnh liệt. Những vấn đề về cán bộ, đảng viên, về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nêu trong “Sửa đổi lối làm việc” vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Và sửa đổi lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề, nhiệm vụ và yêu cầu bức thiết nhất hiện nay để tiếp tục củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân và đẩy lùi suy thoái trong Đảng.
Để tiếp nối mạch nguồn đó và để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Báo Nghệ An quyết định mở chuyên mục “Sửa đổi lề lối làm việc” với mong muốn cùng bạn đọc góp thêm tiếng nói, tìm ra nguyên nhân, biện pháp và cách thức tiến hành để xây dựng các tổ chức Đảng ở Nghệ An ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Báo Nghệ An