Sức hút từ cánh đồng hoa
Thời điểm này, những cánh đồng và đồi hoa ở vùng Phủ Quỳ (huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa) đã nở rộ, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi ngày. Những năm gần đây, những cánh đồng hoa thực sự đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch vào dịp cuối năm, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá về danh lam, thắng cảnh và những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ An.
Chị Hoàng Hồng Hạnh ở thành phố Vinh cho biết: “Khoảng 3 – 4 năm nay, vào dịp cuối năm chúng tôi thường rủ mấy gia đình thân thiết lên Nghĩa Đàn để thưởng thức vẻ đẹp những cánh đồng và đồi hoa thi nhau khoe sắc. Vẻ đẹp rực rỡ của các loài hoa mang đến cảm giác ấm áp trong những ngày lạnh giá và trút bỏ những lo âu, mệt mỏi sau một năm làm việc mệt nhọc”.
“Tôi quê Nghệ An, hiện đang làm việc ở Hà Nội. Qua mạng xã hội, tôi thấy ở quê có thung lũng và vườn hoa đẹp, khung cảnh chẳng khác gì ở Đà Lạt nên rủ bạn bè về Phủ Quỳ để khám phá, trải nghiệm. Nơi đây thực sự hấp dẫn, những vườn qua bạt ngàn đã mang lại cảm giác ấm áp và thú vị, như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh, chúng tôi thực sự cảm thấy thích thú”.
Cùng với khám phá vẻ đẹp của những cánh đồng và đồi hoa, năm nay nhiều du khách có nhu cầu tìm về các trang trại, gia trại và vườn cây để ngắm cảnh và thưởng thức các loại hoa thơm, trái ngọt.
Nghĩa là sau khi ngắm hoa, một số nhóm khách đã ghé đến các vùng chuyên canh cây ăn quả, vừa được thưởng thức ngay tại vườn, vừa có dịp trải nghiệm cuộc sống và lao động, sản xuất của người nông dân. Bởi, qua một năm tất bật chăm sóc, vun trồng, trải qua những tháng ngày nắng đốt đến mưa dầm, đây là lúc người nông dân gặt hái quả ngọt.
Hiện mùa cam đang thời điểm chính vụ, là lúc các vùng chuyên canh cây cam đang nhộn nhịp mùa thu hoạch và vận chuyển. Những vùng trồng cam nổi tiếng trong tỉnh đang hấp dẫn không ít du khách như Xã Đoài (Nghi Lộc), Yên Thành, Con Cuông, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp…
Theo bà Nguyễn Thị Thành An – Phó Giám đốc Sở Du lịch, những năm gần đây, các vùng chuyên canh hoa và cây ăn quả đã giúp Nghệ An hình thành được một sản phẩm du lịch mới, vừa mang lại nguồn thu nhập, vừa quảng bá được vẻ đẹp của quê hương. Những vùng chuyên canh này đang dần đáp ứng nhu cầu khám phá, thưởng thức của khách du lịch, trong đó phần lớn là khách nội tỉnh trong thời điểm mùa Đông – Xuân.
Trải nghiệm “miền rét sương”
Thời điểm này, núi rừng và bản làng miền Tây Nghệ An đang chìm đắm trong giá rét, nhịp sống của đồng bào các dân tộc thiểu số dường như cũng chậm lại. Công việc mùa màng, nương rẫy đã xong, đây là lúc bà con trở về với khung cửi và bếp lửa, tập lại câu hát, điệu khèn chuẩn bị cho việc đón năm mới và mùa lễ hội sắp sửa.
Nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đã lựa chọn thời điểm này để tìm hiểu về đời sống văn hóa, phong tục tập quán và các món đặc sản của vùng cao. Vì thế, dịp cuối năm, các điểm du lịch cộng đồng ở các huyện miền Tây như Con Cuông, Quỳ Châu và Quế Phong đang được tiếp đón nhiều đoàn khách du lịch.
Đến từ Hà Nội, ông Nguyễn Công Thìn cho hay: “Chúng tôi chọn thời điểm cuối năm để du lịch vì đây là lúc công việc của một năm cơ bản đã được giải quyết. Và ở Nghệ An có những điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến với nét bản sắc độc đáo. Đoàn chúng tôi đã trải nghiệm đời sống văn hóa của đồng bào Thái ở Con Cuông và thực sự tâm đắc, nhất là các món ăn truyền thống và chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc”.
Nền nhiệt dịp cuối năm khá thấp, một số điểm ở vùng cao Nghệ An có điều kiện khí hậu và phong cảnh gần giống với điểm du lịch nổi tiếng Sapa (Lào Cai) và một số vùng ở khu vực Tây Bắc. Tiêu biểu là địa bàn xã Mường Lống, Nậm Cắn và Na Ngoi của huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, những nơi mùa Đông nhiệt độ xuống rất thấp, thậm chí ở những dãy núi cao như Puxailaileng, Pù Lon và Pù Liêng có lúc xuất hiện băng tuyết.
Đây là địa bàn cư trú của cộng đồng người Mông với những nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc, nhất là về không gian bản mường, thường được ví là “miền rét sương”. Mùa này, những cánh rừng mận, đào đang bung nở trong giá rét, những ngôi nhà lợp gỗ sa mu thấp thoáng giữa màn sương tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Do vậy, người ở miền xuôi, đặc biệt là những bạn trẻ ưa sự mao hiểm và thích khám phá thường bị cảnh đẹp ở Mường Lống, Na Ngoi cuốn hút.
Những ngày cuối tuần, không ít bạn trẻ đã soạn sửa hành trang và rủ nhau ngược rừng lên miền rẻo cao Kỳ Sơn, lên những dãy núi cao để trải nghiệm, khám phá cuộc sống ở nơi giá rét.
“Bạn bè nhiều người đã lên Mường Lống và Puxailaileng ngắm cảnh, thưởng hoa và trải nghiệm cái rét ở vùng núi cao. Em và nhóm bạn thân cũng đang lên kế hoạch tổ chức phượt đến hai điểm này mong được khám phá những điều thú vị, hấp dẫn, nhất là nếu được chứng kiến cảnh tuyết rơi” – Nguyễn Xuân Nghĩa, một thanh niên ở thành phố Vinh cho biết.
“Đi du lịch dịp cuối năm, thưởng thức các sản vật, thưởng ngoạn phong cảnh của cánh đồng hoa và vùng núi cao, trải nghiệm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc cũng như cuộc sống ở vùng lạnh giá đang trở thành xu hướng ở Nghệ An. Ngành Du lịch của tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu và hợp tác để thu hút du khách trong nước, góp phần tăng nguồn thu vào mùa thấp điểm”.