761795_small_40775.jpgLãnh đạo tỉnh Uli-a-nốp-xki nói chuyện với học sinh chuyên Nga trường Phan Bội Châu
Cuối năm 1917, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và thắng lợi đã làm chấn động cả châu Âu và toàn thế giới. Sự kiện lịch sử vĩ đại đó đã ảnh hưởng đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lúc bấy giờ đang hoạt động ở Anh trên hành trình vạn dặm tìm đường cứu dân, cứu nước. Tháng 7/1920 tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin. Ngay sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng theo lập trường vô sản ở Việt Nam. Với vai trò chủ đạo của Nguyễn Ái Quốc cùng với các cộng sự xuất sắc của Người, mà trước hết là những người con ưu tú trên quê hương xứ Nghệ, chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã không ngừng được truyền bá sâu rộng trong giai cấp cần lao ở nước ta, làm cho khuynh hướng cách mạng vô sản dần dần chiếm ưu thế trong cách mạng Việt Nam. Kết quả là mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt đối với cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo ở nước ta trong mấy chục năm liền.

Trong cuộc diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam những năm 1930- 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trận địa chính là ở Nghệ - Tĩnh. Kể từ cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1930, cơn bão táp cách mạng của công - nông Nghệ Tĩnh đã làm tê liệt, lung lay và tan vỡ một bộ phận chính quyền của đế quốc và phong kiến tay sai ở một số vùng nông thôn thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong điều kiện chính quyền của kẻ địch bị tan rã, chính quyền Xô viết Nghệ -Tĩnh đã được thành lập, đây là lần đầu tiên người dân lao động ở nước ta lên nắm chính quyền. Chính quyền cách mạng ấy, xét về tính chất đại biểu và nội dung hoạt động, có nhiều nét giống như những Xô viết đại biểu công, nông, binh ở Nga trong Cách mạng 1905 (khi Xô viết là cơ quan lãnh đạo đấu tranh và khởi nghĩa), trong Cách mạng tháng Hai và Cách mạng tháng Mười năm 1917 (khi Xô viết chuyển thành cơ quan chính quyền của vô sản). Do đó, Đảng ta gọi chính quyền cách mạng ở Nghệ - Tĩnh bằng danh từ "Xô viết" với ý nghĩa là người dân Nghệ Tĩnh đã lập được chính quyền cách mạng đúng với tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó càng làm nổi bật ý nghĩa quốc tế vô sản của Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Từ sự kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai mà Hồng quân Liên Xô đóng vai trò quyết định, dưới sự lãnh đạo tài tình của những người cộng sản và Việt Minh yêu nước, toàn dân tộc ta đã quật khởi làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Chúng ta đều biết ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, các nhà lãnh đạo cuộc cách mạng này đã cho rằng: Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ có ý nghĩa dân tộc mà còn có ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại, giá trị phổ quát toàn nhân loại.

Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam 1945 - là cuộc cách mạng đầu tiên trên thế giới chuyển tải được ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại, giá trị phổ quát toàn nhân loại của Cách mạng Tháng Mười Nga thành hiện thực trên hai phương diện. Thứ nhất, để đi tới thắng lợi Cách mạng tháng Tám, trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã được hấp dẫn bởi chủ nghĩa Mác - Lênin và thừa nhận nó là hệ tư tưởng cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta. Đồng thời, Người và các bậc tiền bối lãnh đạo của Đảng ta đã có điều kiện học tập thực tế trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười, để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám và xây dựng nên nước Việt Nam hiện đại. Thứ hai, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công đã chứng minh rằng: Chủ nghĩa Mác - Lênin và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga đã thắng lợi ở một nước thuộc địa vẫn còn tàn dư phong kiến, khác xa với hoàn cảnh của nước Nga hoặc giống với nước Nga. Bởi thế, Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế lớn lao, không chỉ góp phần đánh bại chủ nghĩa phát xít bảo vệ hoà bình thế giới, cổ vũ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà còn tôn cao giá trị quốc tế của Cách mạng Tháng Mười Nga.


TS Trần Văn Thức (Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử - Đại học Vinh)