Khi Anna Wintour, bà Tổng biên tập quyền lực của tạp chí Vogue, ngồi trên khán đài xem quần vợt hồi tháng 9/2014, trong tay là chiếc điện thoại nắp gập cổ lỗ chứ không phải một chiếc iPhone 6 thời thượng, người ta hiểu rằng một xu hướng mới mà không mới đang trỗi dậy.
Xu hướng đó là sự lên ngôi của các thiết bị, các mặt hàng thuộc loại low-tech (công nghệ thấp), đối lập với high-tech (công nghệ cao). Xu hướng này thể hiện qua việc sách điện tử không bán chạy như dự báo mà đang chững lại trong vài năm nay. Đĩa than, máy ảnh Polaroid và những chiếc điện thoại không thông minh cũng đang trên đà trở lại cuộc sống hiện đại.
Mốt dùng hàng công nghệ thấp
Theo Telegraph, sau khi Anna Wintour, nhân vật dẫn đầu làng mốt, trưng ra chiếc điện thoại đời cũ trước nhiều ống kính máy ảnh, một cơn sốt truy tìm tung tích chiếc điện thoại này đã bùng nổ. Người ta nhanh chóng thấy rằng nó là chiếc GoPhone Z222 của hãng AT&T, có tuổi thọ đã hàng chục năm và hiện được bán với giá chỉ 15 USD (320.000 đồng).
Mới tuần trước, Thư viện Anh công bố số lượt người đến thư viện tăng 10%, ngay cả trong thời đại số. Hãng phát hành sách Waterstones cho biết doanh số sách giấy đã tăng mạnh mẽ trở lại. Chỉ mới 3 năm trước, các ông chủ kinh doanh vẫn còn quả quyết “khách hàng của chúng tôi chỉ thích sách số”. Còn giờ, Sam Husain, chủ hãng phát hành Foyles, thừa nhận: “Người ta vẫn thích mua sắm qua mạng, nhưng không gì sánh được cảm giác khi ở trong một tiệm sách”.
Đây không phải một thực tế đã được dự báo. Sách giấy, với lịch sử 600 năm, vốn được dự báo là sẽ chết, như máy đánh chữ khi máy tính ra đời, chứ không phải hồi sinh mạnh mẽ như hiện nay.
Nhà báo William Langley viết trên Telegraph: “Vài năm trước, cậu con trai 16 tuổi của tôi nài nỉ được mua thiết bị đọc sách Kindle. Tuần trước, khi tôi hỏi có còn dùng chiếc máy đó không, con tôi đang đọc cuốn sách Bá tước Monte Cristo ngẩng đầu lên và trả lời không”.
Đáng ngạc nhiên khi trong xu hướng phát triển không thể cưỡng lại được của công nghệ, phản ứng của con người có cả sự chối từ (trong khi lâu nay họ đã hào hứng đón nhận). Bởi con người từng tin rằng những thứ được quảng cáo là sẽ khiến cuộc sống của họ đơn giản hơn hóa ra lại làm nó phức tạp hơn. Họ mua những cách giải quyết đắt tiền cho những vấn đề vốn không tồn tại. Và bây giờ, con người mới bắt đầu chống cự, bằng cách đưa công nghệ thấp trở lại với cuộc sống của mình.
Điện thoại gập đang trở thành biểu tượng của sự sang trọng, khi các nhân vật nổi tiếng như Anna Wintour, nữ ca sĩ Rihanna hay nữ diễn viên Scarlett Johansson đều sử dụng chúng. Cũ kỹ lại là vàng ròng, thậm chí, có những chiếc điện thoại trở thành vàng ròng thực sự, khi trị giá đến 800 USD (17 triệu đồng), đắt hơn cả điện thoại iPhone 6 của Apple. Nhu cầu dùng điện thoại công nghệ thấp lên cao đến nỗi Samsung đang sản xuất một phiên bản điện thoại mới mang phong cách hoài cổ.
Những chiếc điện thoại cũ chỉ làm đúng chức năng của điện thoại, đó là gọi, nhận cuộc gọi và nhắn tin, thay vì biến cuộc đời của người dùng thành một mạng lưới máy tính khổng lồ, thứ có thể bị ăn cắp và sử dụng để bôi nhọ chính họ trước cả thế giới.
Dùng đồ công nghệ thấp để tránh hiểm họa lộ bí mật
Theo New York Times, một nguyên nhân quan trọng khiến các ngôi sao thích mê điện thoại công nghệ thấp là vì chúng giữ bí mật rất tốt. Công dụng này hóa ra lại hợp thời, trong bối cảnh hàng loạt ngôi sao bị lộ bí mật, ảnh nóng qua điện thoại công nghệ cao. Ngôi sao nhạc rock Iggy Pop có thêm một lý do khác: “Bạn có thể đánh rơi và nó không vỡ”.
Cùng lý do là sự trở lại phi thường của máy ảnh Polaroid chụp lấy ngay. Trước thời điện thoại thông minh thì đây chính là thiết bị được dùng để chụp ảnh tự sướng (selfie). Năm ngoái, vụ lộ ảnh nóng 100 sao nữ chấn động Hollywood, đã mở ra một cơ hội kinh doanh bất ngờ cho Polaroid, thứ tưởng chừng như đã hết thời sau khi phá sản vào đầu thập niên 2000 và ngừng bán vào năm 2007.
Sự trở lại của nhu cầu dùng Polaroid khiến hãng sản xuất phải rất vất vả mới đáp ứng nổi. “Năm ngoái, doanh số của chúng tôi tăng 60%” – Creed O’Hanlon, giám đốc điều hành hãng sản xuất, cho biết - “Chúng tôi bán được khoảng 1,4 triệu chiếc. Riêng ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday), chúng tôi bán được 3.000 chiếc”.
Các ngôi sao giải trí góp phần tăng sự chú ý tới dòng máy này và khách hàng chủ yếu của nó là thanh thiếu niên. “Ngày nay, giới trẻ thích chụp ảnh, nghe tiếng bấm và tiếng kêu vù vù rồi chầm chậm, một bức ảnh hiện ra trong lòng bàn tay họ. Mọi người mê sự hiện hữu. Bạn có thể viết lên đó rồi tặng cho người khác, thú vị hơn là chuyển cho nhau một tệp ảnh” - O'Hanlon nói.
Không nằm ngoài xu hướng xưa cũ là sự trở lại của đĩa than. Năm ngoái, 1,2 triệu đĩa than đã được bán ra, cao nhất trong 20 năm qua, tăng gấp 5 lần so với năm 2008. Giống như sách giấy, tâm hồn ẩn chứa trong đĩa nhạc than đã cứu chúng thoát khỏi ngày tận thế.
Hơn thế, người yêu nhạc thích bìa của các đĩa than, với mỗi bìa đĩa đều như một tác phẩm nghệ thuật. Nay, điều may mắn là một thế hệ mới lại được tiếp cận với dạng nghệ thuật này.
Đáng ngạc nhiên, nhưng không phải là hoang đường, máy đánh chữ cũng đang trở lại. Theo Telegraph, lo ngại lộ dữ liệu sau các vụ việc về WikiLeaks và Edward Snowden, các hãng tình báo và các tổ chức chính trị được cho là đã áp dụng công nghệ đánh chữ từ thời Chiến tranh lạnh, để giữ an toàn cho những thông tin mật.
Gần đây, ngôi sao điện ảnh Tom Hanks cũng công bố một bức thư tình ông gửi đến… máy đánh chữ, với lời tỏ tình: “Niềm khoái cảm xúc giác khi gõ chữ là không gì sánh được”.
Vì sao công nghệ cao, với tất cả những ưu việt của nó, lại bị chối từ? Tiến sĩ Mike Evans, một nhà vật lý ở Đại học York (Anh), giải thích rằng công nghệ cao mang đến “một sự hoàn hảo vô sinh”. Trong khi đó, chính sự không hoàn hảo mới giúp chúng ta thấu hiểu thế giới.
“Con người từng tin rằng những thứ đồ công nghệ cao được quảng cáo là sẽ khiến cuộc sống của họ đơn giản hơn hóa ra lại làm nó phức tạp hơn. Họ mua những cách giải quyết đắt tiền cho những vấn đề vốn không tồn tại”. |
Theo Thethaovanhoa.vn