(Baonghean) - Kết quả chính thức của cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn hôm nay cho thấy, đảng cánh tả Syriza của nhà lãnh đạo Alexis Tsipras đã giành chiến thắng. Như vậy, cựu Thủ tướng Tsipras tiếp tục trở lại chính trường để lĩnh trọng trách chèo lái con thuyền Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Sự trở lại của ông Tsipras liệu có mang lại hy vọng thoát “vũng lầy” cho Hy Lạp? 

Không có những màn ăn mừng chiến thắng tưng bừng như trong cuộc bầu cử hồi tháng 1, chiến thắng sít sao của đảng cánh tả Syriza lần này cho thấy uy tín của đảng đã suy giảm nhiều so với kỳ bầu cử trước. Nhưng cánh cửa vẫn đủ “rộng” để nhà lãnh đạo đảng này, cựu Thủ tướng Tsipras trở lại chính trường sau một “canh bạc nguy hiểm”. Ông Tsipras vốn đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nước sau khi tiếp nhận gói cứu trợ khổng lồ thứ 3 kể từ năm 2010 và đã bất ngờ từ chức hồi tháng 8/2015, kêu gọi Hy Lạp tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn.
 
Nhiều người dân Hy Lạp, kể cả một bộ phận trong nội bộ đảng Syriza chỉ trích ông là “kẻ phản bội” vì đã chấp nhận những kế hoạch cải cách nghiêm khắc theo yêu cầu của các chủ nợ, đi ngược lại kết quả cuộc trưng cầu ý dân phản đối các chính sách khắc khổ hồi tháng 7 vừa qua. Thế nhưng theo giới quan sát, ông Tsipras vẫn được lòng một số lượng không nhỏ cử tri ủng hộ quan điểm cho rằng gói cứu trợ là cách duy nhất có thể giúp Hy Lạp khỏi vỡ nợ.
 
Việc từ chức hồi tháng trước và tiến hành bầu cử sớm được cho là cách để ông Tsipras củng cố lại đảng cầm quyền Syriza, gạt bỏ các thành viên chống đối ra khỏi đảng, đồng thời tìm kiếm thêm sự ủng hộ ở các đảng nhỏ. Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng chứng tỏ sự ủng hộ của cử tri đối với thỏa thuận gói cứu trợ thứ ba mà ông buộc phải ký kết với các bên cho vay, dù hành động này đi ngược lại cam kết về việc chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng khi tranh cử.
 
images1386459_greece_elections.jpgAlexis Tsipras, nhà lãnh đạo đảng Syriza trở lại vị trí Thủ tướng Hy Lạp. Ảnh: AP
Quan sát bối cảnh Hy Lạp hiện nay, suy cho cùng, cải cách hay không cải cách giờ đây không còn khiến xã hội Hy Lạp quá căng thẳng, mà vấn đề họ quan tâm là làm thế nào để vực dậy nền kinh tế đang rơi xuống mức thê thảm. Tỷ lệ người đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này chỉ ở mức 54%, thấp chưa từng thấy kể từ 70 năm nay, đã phản ánh đúng những gì đang diễn ra với các cử tri Hy Lạp: họ không muốn tiếp tục các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" quá hà khắc, nhưng cũng không còn con đường nào khác là vẫn phải đi theo chính sách của ông Tsipras, chấp nhận những thỏa thuận bất lợi với các chủ nợ để có thể được vay nợ. 
 
Dù không thể tìm ra con đường mới cho Hy Lạp nhưng ít nhất ông Tsipras cũng có thái độ cứng rắn theo đuổi quan điểm chống thắt lưng buộc bụng. Trong 7 tháng cầm quyền ngắn ngủi trước đó, ông Tsipras đã nỗ lực đưa Hy Lạp chống lại các yêu cầu của chủ nợ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho người dân nước này, nhưng cuối cùng ông đã phải thất hứa với đông đảo cử tri, chấp nhận các yêu cầu khắt khe của chủ nợ quốc tế để Hy Lạp thoát khỏi vỡ nợ và tránh được nguy cơ ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
 
Hiện, ông Tsipras đang vận động một chiến dịch kêu gọi các chủ nợ nới lỏng các điều kiện ngặt nghèo. Điều đó chứng minh ông Tsipras muốn thực hiện những cam kết và lời hứa với cử tri trong cuộc tranh cử lần đầu tiên hồi đầu năm nay. Thế nhưng, không khó để nhận ra rằng thách thức đang chờ đợi nhà lãnh đạo cánh tả và chính phủ của ông là không nhỏ. 
 
Chính phủ mới sẽ phải tiến hành những cải cách cấp thiết vừa để cứu nguy nền kinh tế đang sa lầy, vừa tìm cách trả nợ cho các chủ nợ, nhưng cũng phải xoa dịu dư luận trong hoàn cảnh các biện pháp hà khắc có thể khiến dân chúng phẫn nộ, dẫn đến nguy cơ bất ổn ngày càng cao của nền chính trị nước này.
 
Dự kiến sau khi nhậm chức, các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề nợ của Hy Lạp sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Tsipras và chính phủ mới. Các chuyên gia cho rằng gói cứu trợ thứ ba với 86 tỷ euro không phải là cây đũa thần có thể giải quyết mọi tồn đọng của một cuộc khủng hoảng kéo dài tới 6 năm tại Hy Lạp. Ngoài ra, Hy Lạp cũng phải có đóng góp tích cực trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn đang làm đau đầu các nước châu Âu khi Hy Lạp là một trong những cửa ngõ quan trọng cho dòng người di cư đang tìm cách tràn vào châu lục.
 
Cách thức đưa Hy Lạp thoát khỏi “vũng lầy” khủng hoảng vẫn còn là những ẩn số đầy bất trắc phía trước. Xem ra, dù đã thành công với canh bạc chính trị lần này nhưng thủ tướng trẻ tuổi Tsipras vẫn còn phải đối mặt với những “canh bạc” mạo hiểm trong hành trình vì một đất nước Hy Lạp tươi sáng hơn.
 
 
Thanh Huyền