(Baonghean) - Giành Huy chương Bạc ở Giải Vô địch đá cầu thế giới, Huy chương Vàng ở Giải Vô địch quốc gia… nhưng với vận động viên đá cầu Lê Công Tài, đó mới chỉ là sự khởi đầu. Với Tài, tuổi 22 mới là thời kỳ thi đấu đỉnh cao của một vận động viên chuyên nghiệp.

Lê Công Tài mới được nhận giải thưởng của quỹ Tâm Tài, lại từng nhiều lần đem về nhiều giải thưởng
images933787_dsc_0047.jpgLê Công Tài bên những giải thưởng mới giành được trong năm 2013.
ở trong và ngoài nước nên đến xóm Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh chỉ cần hỏi “Tài đá cầu” là ai cũng biết. 
 
Tài biết đến đá cầu từ những ngày còn học cấp I nhưng chỉ được huấn luyện viên Tôn Thất Hòa phát hiện khi tham dự Hội khỏe phù đổng ở Trường THCS Hưng Dũng. Ngày Tài cùng với 6 bạn khác được gọi lên đội tuyển, Tài là cậu bé nhỏ tuổi nhất, cả về tuổi đời (học lớp 6), cả về cân nặng và ngoại hình. Nhưng ngược lại, Tài lại có đôi chân dẻo, linh hoạt, nắm bắt nhanh, gần như “sinh ra là để dành cho đá cầu” nên trong khi các bạn phải chật vật mới nắm bắt được giáo án của các bài luyện tập thể hình thì Tài bắt nhịp rất nhanh. Sau 6 tháng vào đội, em đã được chọn tham dự giải trẻ toàn quốc. Nhớ lại những ngày mới tham gia giải, Tài bảo: khi đi em không hình dung được vào trận đấu sẽ thế nào. Ra đến Hà Tây, vào trận rồi vẫn còn lớ nga lớ ngớ.
 
Giải đấu đầu tiên, Tài thất bại. Điều đó không nằm ngoài dự đoán của ban huấn luyện bởi khi ấy, đá cầu Nghệ An mới  bắt đầu thành lập đội, không có nhiều kinh nghiệm, cũng không có nhiều quân để cọ xát. Bản thân Lê Công Tài khi đó cũng còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện thắng – thua có ý nghĩa như thế nào với một vận động viên chuyên nghiệp. Sau giải đấu, có nhiều bạn bè cùng vào một lượt với em xin rút ra khỏi đội vì không chịu được áp lực, một số người thì bị loại vì không đủ điều kiện. Đội chỉ còn lại Tài, Thanh (sau này đạt HCV Vô địch thế giới) và một vài thành viên khác.
 
Cũng từ sau khi quyết định gắn bó lâu dài với đội, Lê Công Tài bắt đầu xác định đây là “nghiệp” của mình và dành nhiều thời gian hơn cho đá cầu. Đều đặn, ngày nào cũng vậy, ngoài giờ học văn hóa ở trường, ngày nào em cũng đạp xe lên Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao của tỉnh để tập cùng với huấn luyện viên. Tham gia nghiệp vận động viên sớm nên Lê Công Tài không có nhiều thời gian để dành cho bạn bè, không có nhiều thời gian để đọc truyện, xem phim như các bạn cùng trang lứa. Tài tâm tư: “Em rụt rè hơn các bạn cũng một phần như vậy”.
 
Chăm chỉ là thế, nhưng hai giải đấu ở hai năm sau đó, Lê Công Tài vẫn tiếp tục thất bại. Ba năm trắng tay ở giải trẻ toàn quốc, nhiều lúc em tiêu cực và tự trách mình, thấy mình có lỗi với sự kỳ vọng của thầy, của bố mẹ. Công Tài cũng đã có lúc nghĩ sẽ bỏ nghề, nhưng sau đó nhờ được sự động viên của huấn luyện viên Tôn Thất Hòa và của bố mẹ, em lại có thêm nghị lực để tập luyện. Tấm huy chương đầu tiên mà Lê Công Tài có được là Huy chương Bạc ở giải trẻ toàn quốc năm 2009 được tổ chức tại Nghệ An. Tính thời gian, kể từ khi Lê Công Tài vào đội đến khi đạt được thành tích này, phải mất tròn 5 năm với hơn một nghìn ngày khổ luyện vất vả. Tấm Huy chương Bạc này cũng chấm dứt thời kỳ “trắng tay” của Tài và liên tục sau đó, hầu như tham gia giải đấu nào Tài cũng dành được giải thưởng. Đặc biệt, lần lượt hai năm liền ở giải đấu toàn quốc ( năm 2012 và 2013), Tài dành được Huy chương vàng và trở thành một trong những vận động viên xuất sắc nhất của Việt Nam được lựa chọn để tham dự giải đá cầu thế giới.
 
Lê Công Tài kể rằng, trước khi tham dự giải thế giới được tổ chức vào tháng 9 ở Đồng Tháp, toàn đội tuyển có gần 3 tháng tập trung ở trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia để tập luyện. Gọi là tập nhưng thực ra là để cọ xát và thi đấu, ai cũng muốn thắng để tranh một chân chắc chắc tham gia vào nội dung thi đấu chính thức của giải. Đối thủ lúc bấy giờ của Tài là hai vận động viên Bắc Giang và Đồng Tháp, những địa phương có nhiều truyền thống về đá cầu và phải nỗ lực rất nhiều, Lê Công Tài mới dành được một suất thi đấu đơn nam, vị trí được nhiều vận động viên mơ ước. Không phụ lòng tin của Ban huấn luyện và các thầy ở Trung tâm, vào giải khi gặp hai đối thủ Đài Loan và Đức chỉ mất từ 10 – 15 phút, Lê Công Tài đã dành được chiến thắng. Chỉ đến trận cuối cùng gặp cầu thủ người Trung Quốc, quê hương của môn đá cầu, Lê Công Tài mới chịu nhận thất bại với tỷ số sát nút 23 – 21 và 21 – 19.
 
Sau thất bại này, Tài đã rút ra kinh nghiệm, đó không phải vì mình “ngợp” trước một cầu thủ lớn, không phải mình quá lo lắng mà vì kỹ thuật và thể lực của mình còn quá yếu. Chính vì thế, sau  này,  Lê Công Tài dành nhiều thời gian hơn cho hai bài tập nâng cao thể lực này. Giành huy chương ở giải đấu thế giới, mọi người cũng nghĩ rằng Lê Công Tài sẽ đăng ký đi học đại học để chuẩn bị một cuộc “dài hơi” cho nghiệp cầu thủ. Nhưng tâm sự với tôi , Tài nói rằng: “Em tham gia đội tuyển đá cầu từ năm 12 tuổi, 10 năm qua tỉnh đã đầu tư tiền tỷ cho mình, giờ mới là thời kỳ thi đấu đỉnh cao, nếu mình chỉ chăm chăm lo cho bản thân thì phụ công của mọi người quá. Em còn muốn cống hiến vài năm nữa. Trước mắt là ở Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, sau đó là mong muốn giành Huy chương Vàng ở giải thế giới sau hai năm nữa.
 
Bài, ảnh:Mỹ Hà