(Baonghean) - Người “vấn danh” không chỉ có trong Truyện Kiều, mà ngay ở tục cưới của người Khơ mú, người Mông, người Thái việc mai mối có một vai trò đặc biệt. Ông bà mối có thể nói “ngang vai” với cha mẹ đẻ của chú rể. Nếu không có ông bà mối, sẽ không có một đám cưới theo đúng phong tục...
Con trai lớn lên, khi tìm được người con gái nào “ưng bụng” về làm vợ sẽ về thưa với cha mẹ để lo đám cưới. Việc đầu tiên cha mẹ nghĩ đến là chọn ai làm “làm mối” cho con trai. Người làm mối thường trong dòng họ nội hoặc ngoại, đại diện cho gia đình đi làm đám hỏi và đám cưới cho con. Người làm mối bởi vậy được chọn lựa rất kỹ càng.
Người làm mối phải là người trong họ nội, hoặc ngoại của chú rể, người sau này chú rể sẽ phải gọi bằng “bố”, vì vậy ít nhất ông mối là bậc anh trở lên (có thể là anh trai, anh họ, anh rể hoặc chú, bác của chú rể). Một số trường hợp, theo tìm hiểu của chúng tôi ở Tương Dương, có người là bậc ông cũng có thể làm mối cho cháu họ.
Một điều quan trọng khác nữa, người làm mối phải đã lập gia đình, đã sinh con có cả trai lẫn gái thì tốt nhất. Khi đó, người vợ của ông mối nghiễm nhiên thành “bà mối” và cũng là người không thể thiếu khi đi hỏi cưới cho người con trai. Ngoài những yếu tố này, ông mối yêu cầu phải giỏi ăn nói. Ngày trước, người làm mối thườngg giỏi hát đối đáp, thậm chí làm nghề thầy mo. Ông mối sẽ đảm nhiệm việc cúng mâm cơm tổ tiên của nhà trai đưa về nhà gái trong đám hỏi cũng như lễ cưới. Những thầy mo uy tín trong cộng đồng thường làm mối cho nhiều con cháu trong dòng họ. Những người được làm mối gọi là “lực lạm”, tiếng Thái nhóm Tày Thanh là “lúc lám” (tạm dịch là “con mối”).
Bà Lô Thị Thực 72 tuổi, trú bản Nam Đình (Chi Khê – Con Cuông) kể về ông thân sinh đã quá cố của mình, một người có 11 “con mối”. Đây là một điều đáng tự hào vì trong bản chẳng mấy ai có nhiều người lựa chọn làm người đại diện đi hỏi vợ cho con như cụ ông này. Thế nhưng, lo được ngần ấy đám cưới, chưa kể con cái trong nhà là một điều không hề đơn giản. Ngày trước, tục cưới của người Thái còn mang nặng những nghi lễ phức tạp mà ông mối nhất thiết phải là người đảm trách nghi lễ này. Trước tiên là việc thương thuyết làm sao để phần thách cưới có lợi cho cả đôi bên. Nếu nhà gái đòi bao nhiêu gà lợn, bạc nén, rượu thịt cũng gật thì quả là gánh nặng cho gia đình. Ông mối phải giỏi thương thuyết, phải biết đưa ra một mức hợp lí cho đôi bên có thể chấp nhận được.
Xong phần thương thuyết thách cưới là lễ ăn hỏi và ngày cưới cũng được định trước cả nửa năm. Trước khi diễn ra lễ cưới, đích thân ông mối phải cùng với gia đình nhà gái đến từng nhà trong họ để mời cưới. Nếu họ hàng nội ngoại gần xa của nhà gái có 100 nhà thì ông mối cũng phải có đến 100 lần bước lên cầu thang, cúi chào theo đúng nghi thức rồi mới đưa lời mời vào ngày nọ, ngày kia về dự đám cưới. Bà Thực nhớ lại: “Cứ đến dịp đi mời cưới sáng ra ông ấy lại giục vợ con đồ xôi để ông ấy gói ghém lên đường. Có lần, phải đi mất 3 tháng trời lội bộ từ bản này đến mường kia, đến cả mường người Mông, người Khơ mú mới xong việc mời cưới.” Nhưng cũng chính vì thế, ông mối là người được đi đến nhiều nơi, am hiểu và được cộng đồng trọng vọng.
Sau chuỗi ngày dài đi mời cưới, trong đám cưới, ông mối còn phải cáng đáng nhiều thủ tục khác. Ông mối là người dẫn đầu đoàn người đi rước dâu. Ông cầm theo chiếc chiêng đi được một quãng lại gõ một hồi 3 tiếng báo cho làng bản biết có dịp vui. Để thử tài ông mối và nhà trai, nhà gái thường dựng ra những trở ngại. Họ đóng chặt các then cổng, vắt lên một chiếc khăn đội đầu hoặc chiếc chăn thêu bắt nhà trai phải trổ tài “mở cổng” Khi đến cổng nhà gái, ông mối hát thi đối đáp cho đến khi nhà gái thấy vừa ý, mở cổng cho lên nhà. Khi hết cầu thang, vào nhà, ông mối đúng ra là thủ tục thưa chuyện cùng họ gái về lí do của đám cưới. Lời kể bằng thể văn vần nói rõ từ ngày đôi trẻ quen nhau, qua lại tìm hiểu rồi thương yêu nhau về thưa chuyện với cha mẹ đi hỏi cưới, Cha mẹ chọn lợn, nuôi gà, nấu rượu, chọn người làm mối định ngày lành tháng tốt đến xin dâu. Cuối cùng, ông mối nói rõ giờ giấc đón dâu về nhà và mời họ gái về nhà trai cùng chia vui. Sau đó, ông mối bày mâm cúng dâng lên tổ tiên nhà gái, xin với “ma nhà” cho con gái về làm dâu. Tiếp theo, trong những cuộc vui chờ đến giờ rước dâu, ông mối là người đối đáp chính trong cuộc hát với họ gái và khởi xướng những cuộc đối đáp cho đến giờ đẹp ông mối lại dẫn đầu đoàn gõ chiêng rước dâu về nhà trai.
Tại buồng cô dâu, lúc này bà mối mới thể hiện vai trò của mình. Cô dâu được bà mối thực hiện nghi thức cài trâm lên mái tóc. Bà mối còn trải chiếu lên giường nằm cho đôi tân hôn. Đối với nhiều cộng đồng Thái tại Con Cuông, khi cô dâu đã về nhà chồng, lễ cưới chưa phải đã xong. Trong đêm cưới, ông bà mối còn phải thức thâu đêm đón tiếp khách khứa, chủ yếu là những người trong đoàn đưa dâu của nhà gái. Ngày hôm sau, buổi lễ chính thức tại nhà trai mới được tổ chức. Ông bà mối còn phải thực hiện thủ tục cho cô dâu lạy trước bàn thờ tổ tiên “xin làm con trong nhà”. Đây cũng là một trong những lần hiếm hoi trong suốt cuộc sống sau này, cô dâu được đặt chân đến gian thờ của người Thái. Sau thủ tục lạy trước bàn thờ tổ tiên, ông mối lại bắt đầu thủ tục cho đôi vợ chồng mới cưới ra mắt hai họ. Lúc này, về căn bản phần việc của ông bà mối đã xong. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng mới cưới phải có mâm cơm đến nhà ông bà mối. Trong mâm cơm có một chiếc đùi lợn để tạ ơn. Đó cũng là nghi lễ cuối cùng của một đám cưới.
Tuy nhiên, vai trò của ông bà mối còn hiện diện trong suốt cuộc sống sau này của đôi vợ chồng. Hàng năm, vào ngày tết, thậm chí ngày Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch), đôi vợ chồng phải có mâm cơm đi tết ông bà mối, kể cả sau khi ông bà mối đã già cả chết đi thì họ vẫn phải có mâm cơm cúng lên bàn thờ.
Trong cộng đồng ngày nay, không còn nhiều người giỏi các lễ nghi, thủ tục trong tục cưới của người Thái nữa. Tuy vậy, những đám cưới vẫn không thể thiếu ông bà mối. Các bậc cha mẹ vẫn phải chọn một người trong dòng họ đi hỏi cưới vợ cho con trai và nhiều khi ông mối được chọn chủ yếu là vì mối quan hệ dòng tộc. Ngày nay, có những ông mối còn trẻ không làm được lễ nghi khi đi hỏi cưới vợ cho con, phải nhờ những người am hiểu thủ tục đi cùng để làm thay phần việc của mình. Các ông mối kiểu này được gọi một cách hài hước là “lạm pặp” (ông mối dựa dẫm). Những ông mối phải dựa vào người già am hiểu ngày càng nhiều...
Đối với người Mông, theo tìm hiểu của chúng tôi ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền (Tương Dương) thì vai trò của ông bà mối có vẻ “nhẹ nhàng” hơn so với người Thái ở Con Cuông. Ông mối cũng là người đại diện đi hỏi vợ cho chú rể. Những nghi thức trong đám cưới Mông không nhiều như người Thái. Ông mối chỉ làm vai trò của mình trong đám hỏi và đám cưới. Khi đoàn rước dâu về đến nhà trai, ông mối rót rượu mời những người thân trong gia đình báo cáo đã “đi đến nơi về đến chốn, mọi chuyện đều êm đẹp.” Lúc này, ông mối mới kết thúc vai trò của mình!
Hữu Vi