(Baonghean) - Tục "trộm dâu" của người Thái và "kéo vợ" của người Mông mang nét nhân văn và độc đáo, đã hình thành từ xa xưa và lưu truyền cho đến nay. Gần đây, do thực tế xã hội cùng với sự nhận thức sai lạc của một số người tập tục này đã có sự biến tướng, và bị gọi chệch đi thành "trộm vợ", "cướp vợ", "cướp dâu"…

Cách đây 10 năm, trên địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp rộ lên một vài vụ việc biến tướng của tục "trộm dâu" trong đồng bào Thái từng được người dân truyền tai nhau và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Đêm 12/1/2007, một tốp thanh niên ở xã Châu Tiến tấp xe máy vào bìa rừng bàn chuyện cướp một cô gái 16 tuổi, ở bản Phẩy, xã Châu Tiến, đem về bản Quang Hương, xã Châu Quang.

images1818898_resize_images1817648_20170204151952_a3.jpgCô gái bị các thanh niên bắt, ép buộc lên xe máy. Ảnh: Internet.

Vụ việc không thành do có sự can thiệp từ người anh trai của cô gái. Trước đó ít ngày, 6 thanh niên ở xã Châu Hồng chạy xe máy 15 km đến dãy trọ Trường THPT Dân tộc nội trú huyện "áp tải" một nữ sinh đang học lớp 11 tên là Lô Thị Th. về bản để làm vợ người bạn tên là Đức. Lần này, cán bộ của trường cùng một số học sinh đuổi theo nên giải cứu được Th. để em tiếp tục đến trường... Sau vụ việc này, gia đình nhà Đức bị phạt theo quy định trong cộng đồng, còn bản thân Đức bị UBND xã Châu Hồng phạt hành chính 300.000 đồng.

Trước đó, từ năm 2004 - 2007, các hình thức biến tướng của tục "trộm dâu" như hai trường hợp nêu trên cũng xảy ra lẻ tẻ tại một số huyện miền núi Nghệ An như: Qùy Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương… Đa phần những vụ việc đó không bị cộng đồng lên án nhiều hoặc không "đến tai" các phương tiện truyền thông đại chúng là do tâm lý "im lặng chấp nhận" sự đã rồi của cô gái và gia đình, do hậu quả để lại không đến mức nặng nề, hoặc các lý do khác…

Một tập tục trong đám cưới truyền thống của người Thái Quỳ Hợp.

Thực ra, việc "trộm dâu" trong cộng đồng người Thái vùng Nghệ An không phải là sự tùy tiện mà có những quy định rõ ràng, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay người ta đã có sự nhận thức rõ ràng về quyền tự do kết hôn, quyền con người. Kết quả nghiên cứu về tục "trộm dâu" cho biết, tập tục này lưu truyền từ xưa tới nay luôn được coi là nét nhân văn và mang tính bồi đắp, kết nối sức mạnh cộng đồng.

Giải thích về điều này, ông Sầm Văn Hòa 79 tuổi, trú tại bản Yên (xã Châu Quang, Quỳ Hợp) cho biết: Tục "trộm dâu" luôn được ghi nhận là một khe cửa hẹp trong cánh cổng rộng mở của luật tục hôn nhân truyền thống. "Khe cửa hẹp" này đã cứu vãn được không ít tình trạng bế tắc, tránh những hậu quả thương tâm do sự dại dột quẫn trí của những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó, đã không được hai bên bố mẹ cho phép… 

Qua các vụ việc "cướp vợ" từ năm 2004 - 2007, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền, đoàn thể và những người uy tín trong cộng đồng đã có sự tuyên truyền, bảo ban tích cực đối với con cháu trong làng bản. Sự vào cuộc này đã đem lại một kết quả tích cực, bằng chứng là suốt 10 năm nay chưa có một vụ "cướp vợ" nào trong cộng đồng bị coi là sai trái và phải lên án…

Vậy nhưng, vào ngày 4/2/2017 vừa qua, một vụ "cướp vợ" giữa thanh thiên bạch nhật bằng phương tiện xe máy được quay video và post lên mạng xã hội. Video này được cho là quay tại địa điểm ngã ba xã Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp). Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội Facebook, video cùng những thông tin về vụ việc này được nhiều báo mạng và người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng khắp gần như đã tạo thành một "hiệu ứng hot" đầu năm 2017… Qua theo dõi một vài comment của các bạn trẻ, kể cả các thanh niên người dân tộc Thái, thật khó chấp nhận khi họ vẫn còn đang đánh đồng hành động "cướp vợ" trong video này với phong tục của dân tộc Thái.

Việc lợi dụng luật tục để “bắt trộm”, "cướp vợ" đang càng ngày càng bị lên án, vì đó là hành vi xâm hại đến quyền tự do thân thể, quyền tự do hôn nhân của công dân, do đó cần được ngăn chặn kịp thời, xử lý theo pháp luật của Nhà nước. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục cũng làm cho các cô gái nhận thức được quyền tự do yêu đương, quyền lựa chọn hôn nhân và bảo vệ hạnh phúc của bản thân mình. Cộng đồng dân cư các xóm bản người Thái nhiều nơi đã cụ thể hoá luật tục bằng văn bản được mọi người đồng tình, nhằm làm cho luật tục của bản mường thực sự nằm trong phạm vi pháp luật của Nhà nước...

Sầm Văn Bình

TIN LIÊN QUAN