Các nhà khoa học Mỹ phát hiện khí oxy đang biến mất một cách chậm rãi khỏi khí quyển Trái Đất và nguyên nhân gây ra hiện tượng vẫn là điều bí ẩn.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Princeton, New Jersey, Mỹ, nhận thấy lượng oxy trong khí quyển Trái Đất giảm 0,7% trong vòng 800.000 năm qua bằng cách phân tích bọt khí tích tụ trong lõi băng ở Greenland và Nam Cực, theo Science Alert. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 23/9 trên tạp chí Science.
Tuy nhiên, việc tìm ra nguyên nhân gặp nhiều khó khăn vì oxy trên Trái Đất thường xuyên được tái tạo thông qua con người, động thực vật và thậm chí cả đá silicat. Hiện nay, xem xét lõi băng là cách tốt nhất để các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu cố định về lượng oxy còn tồn tại. Dù lượng oxy thất thoát rất nhỏ, số liệu có thể hé lộ quá trình Trái Đất trở thành một hành tinh phù hợp cho sự sống.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết về tốc độ xói mòn để giải thích hiện tượng khí oxy giảm dần. Quá trình xói mòi khiến các lớp trầm tích bị oxy hóa nhiều hơn, khiến lượng oxy trong khí quyển càng giảm. Một nguyên nhân hợp lý khác là tác động của biến đổi khí hậu trong vài triệu năm qua khiến Trái Đất nóng lên nhanh chóng, kéo theo lượng oxy bị tiêu thụ nhiều hơn.
Không khí con người hít thở ngày nay gồm khí oxy (chiếm 21%), nitơ, argon và carbon dioxide (CO2). Ảnh hưởng của hiện tượng khí oxy sụt giảm không nghiêm trọng như hậu quả do khí CO2 gây ra, nhưng nó tác động đến lượng ánh sáng chiếu đến mặt đất và khí hậu Trái Đất.
Theo VNE