Thời gian vừa qua có hàng loạt vụ trẻ bị xâm hại tình dục đang làm rúng động dư luận. Tuy nhiên, nhiều trẻ không thể nói ra. Vậy, làm sao để biết được trẻ đang bị xâm hại tình dục và cha mẹ nên làm gì khi thấy con trẻ có dấu hiệu xâm hại tình dục?, TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) đã chia sẻ cách giúp trẻ em tránh bị dâm ô.

Cha mẹ dạy trẻ theo nguyên tắc: KHÔNG, DỪNG LẠI, TRÁNH XA, NÓI RA

Theo TS. Trần Thành Nam, cha mẹ cần dạy trẻ từ 3 tuổi về cách phòng chống xâm hại tình dục.

Theo đó, cha mẹ nên dạy trẻ xác định được không gian riêng tư, dạy trẻ dấu hiệu cảnh báo về động chạm cơ thể.

Đặc biệt, cha mẹ phải dạy trẻ theo nguyên tắc: KHÔNG, DỪNG LẠI, TRÁNH XA, NÓI RA.

073342-3.jpg

Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ, không tiếp xúc với người lạ khi không có người lớn đi cùng, không đi một mình khi trời tối, không nên tụ tập lại những nơi công cộng. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo người lớn, công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này. Cha mẹ phải dạy trẻ nếu con bị xâm hại (ôm hôn, vuốt ve…) phải tránh xa và nói ra với người lớn.

“Đối với vùng kín của con, bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào”, TS Nam nói.

TS. Trần Thành Nam đã chỉ ra những dấu hiệu để nhận biết con có bị xâm hại tình dục đó là: Hoảng hốt, sợ hãi; Thay đổi nhịp sinh hoạt; Đau vùng kín…

“Các cháu sẽ khóc thét lên khi có ai đó động vào người, đặc biệt là gần phần nhạy cảm. Đó là những biểu hiện rõ nét nhất của việc bé đã bị xâm hại tình dục”, TS Nam chia sẻ.

Cha mẹ cần làm gì khi con bị xâm hại tình dục?

Qua nghiên cứu, BS Nguyễn Bá Hưng, Khoa Nam học Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trẻ bị xâm hại tình dục không thể nói ra vì bản thân cha mẹ cảm thấy đau khổ, tức giận vì con em mình đã không kể lại với mình.

Bên cạnh đó, phía cộng đồng có thái độ kỳ thị, phê phán đứa trẻ bị xâm hại tình dụng. Bản thân cha mẹ cũng lúng túng không biết cách hỗ trợ.

Không những thế, về phía trẻ, các em không đủ kiến thức để hiểu điều đó là xâm hại tình dục. Không có ai tin dù trẻ có nói ra, đôi khi trẻ sợ bị trả thù nếu nói ra, hoặc các em cảm thấy tủi hổ tới mức không thể nói về chuyện đó.

Đôi khi có những đứa trẻ mạnh bạo hơn đôi khi cũng kể lại với cha mẹ mình một cách xa xôi về những chuyện đã xảy ra. Tuy vậy, nhiều cha mẹ không muốn nghĩ đến hoặc không muốn tin chuyện đó, hoặc cũng lo lắng nhưng không biết cách giải quyết như thế nào.

Khi có con bị xâm hại tình dục, cha mẹ không nên trách cứ, đánh đập, mắng mỏ các em. Cha mẹ cũng không được che giấu, im lặng, không tố cáo thủ phạm. Bởi đó là dung túng cho tội ác khiến con mình có thể tiếp tục bị lạm dụng hoặc tiếp tục lạm dụng những em khác.

Cũng theo BS Hưng, việc trả thù thủ phạm khi chưa có đủ bằng chứng hoặc có đủ bằng chứng cũng là vi phạm pháp luật. Tự nhiên từ người bị hại lại trở thành người phạm pháp. Việc dàn xếp bắt thủ phạm bồi thường tiền cũng là hành vi vi phạm pháp luật hoặc bị chính thủ phạm kiện lại.

Cho gia đình thấy con em mình chỉ là nạn nhân, cần quan tâm động viên, an ủi tránh đẩy các em tới những hành vi tiêu cực và phải đưa con ngay tới cơ sở y tế để khám và điều trị nếu cần thiết.