Trong vòng khoảng 1 tháng, có quá nhiều biến cố đến với CLB SLNA. Từ việc giọt nước làm tràn ly, SLNA thua trận thứ 8 và HLV Ngô Quang Trường phải rời ghế HLV trưởng đến việc ông Nguyễn Hồng Thanh xin rút lui khỏi vị trí Chủ tịch CLB. Ngay cả khi một người đứng đầu điều hành CLB và thuyền trưởng đội bóng từ chức, CĐV xứ Nghệ vẫn đứng ngồi không yên.
Đầu tiên, việc Ngân hàng TMCP Bắc Á nhìn nhận tình hình, gửi công văn về Sở Văn hóa - Thể thao, CLB SLNA và UBND tỉnh Nghệ An với nhiều nội dung. Trong đó, quan trọng nhất là các nội dung: Không tiếp tục tài trợ; Sẽ chuyển giao ngay lập tức CLB cho nhà tài trợ mới; Các khoản vay sẽ cùng với tỉnh và CLB tính toán lại, không để tồn đọng cho nhà đầu tư mới.
Sau 12 năm đồng hành, Ngân hàng Bắc Á đã hoàn thành sứ mệnh và được đông đảo người hâm mộ ghi nhận. Bởi SLNA không chỉ có những thành tích, mà bản sắc, truyền thống vẫn được tiếp nối, không đứt đoạn. Tên gọi và biểu trưng SLNA cũng được giữ nguyên. Thành tích có thể lên xuống, nhưng không thể phủ nhận công lao lớn của Ngân hàng Bắc Á.
Có thể xem công văn và động thái của Ngân hàng Bắc Á là một hành động rất “Fairplay” trong vấn đề hoạt động bóng đá, thậm chí là vấn đề kinh tế. Điều đó có nghĩa rằng, 12 năm qua là một mối lương duyên trọn vẹn và những quyết sách của nhà tài trợ này đã mở đường cho một kỷ nguyên mới với bóng đá xứ Nghệ và SLNA.
Ngày 8/5, ông Nguyễn Hồng Thanh - TGĐ Công ty CP SLNA, với vai trò là người lãnh đạo cao nhất của Công ty, CLB, ông đứng ra xin lỗi, nhận lỗi trước tỉnh nhà, các nhà tài trợ và đặc biệt là đông đảo người hâm mộ. Một hành động cần thiết vào thời điểm mà các CĐV SLNA đang rất buồn lòng, thất vọng khi SLNA không chỉ thành tích kém mà mô hình hoạt động còn chưa theo kịp thời đại.
Tuy nhiên, ngoài một số điều kiện thuận lợi như công tác đào tạo trẻ được tỉnh nhà quan tâm hỗ trợ 27 tỷ đồng/1 năm, Ngân hàng Bắc Á hậu thuẫn, sự cố gắng của nhiều cá nhân, tập thể thì SLNA vẫn bộc lộ nhiều yếu điểm, hạn chế trong cách hoạt động theo chuẩn FIFA, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Có một số vấn đề chính được ông Nguyễn Hồng Thanh tiết lộ trước truyền thông, đó là có 3 nhà tài trợ mới mong muốn đồng hành cùng SLNA. Và nguyện vọng của nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á (từ 2009-2021) là giữ nguyên tên gọi của đội bóng. Đồng thời, đây cũng là nguyện vọng của lãnh đạo SLNA - những người đã gắn bó CLB từ rất lâu.
Tất nhiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, bộ máy lãnh đạo SLNA hiện tại, các bên liên quan và các nhà tài trợ sẽ ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp và hướng đi mới, để hài hòa lợi ích và tìm ra phương án tối ưu nhất, giúp SLNA sống khỏe, cải thiện thành tích và đương nhiên phải đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ.
Nếu tính từ mốc năm 1979 đến nay, SLNA đã bước sang tuổi 42, nhưng chừng đó những thành quả trong quá khứ không thể giúp thương hiệu này tự đứng vững được trên đôi chân của mình; dù cho bóng đá hiện đại đã thay đổi quá nhiều, với những lãnh đạo trẻ giàu nhiệt huyết, có tầm nhìn và tư duy mới mẻ về mặt chuyên môn lẫn mô hình quản trị, quản lý.
Vấn đề quan trọng nhất lúc này không chỉ là tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến SLNA trầy trật và đi xuống mà phải chuẩn bị một tâm thế, một điều kiện để các doanh nghiệp, nhà tài trợ có thể yên tâm đầu tư, tài trợ cho đội bóng SLNA.
Những người hâm mộ xứ Nghệ tin rằng, rất khó để tìm được một nhà tài trợ có tâm với quê hương như Ngân hàng Bắc Á, nhưng có lẽ đã đến lúc SLNA cần phải thay đổi. Thứ nhất, về mặt bộ máy, nhân sự từ thấp nhất đến thượng tầng... Thứ hai là cơ chế để hoạt động một cách phù hợp với luật FIFA, quy chế của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Luật doanh nghiệp. Bóng đá thế giới từ xưa đến nay muốn tồn tại không chỉ cần khán giả mà cần đến khả năng xây dựng, khai thác thương hiệu.
Thật khó để một đội bóng giữ được tên gọi suốt hàng chục năm, nhưng sẽ dễ hơn nếu sẵn sàng thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để phù hợp với xu thế của thời đại, giúp một biểu tượng đã 42 năm có thể đứng vững và tồn tại dựa trên đôi chân của mình.
Cụ thể, phải chăng là việc không nên rập khuôn, cứng nhắc trong vấn đề giữ nguyên tên gọi, thậm chí là biểu trưng? Đương nhiên, bản sắc và truyền thống là thiêng liêng, cần phải giữ lại một phần nào đó, nhưng trên thế giới hay gần nhất là Đông Nam Á, V.League, nhiều đội bóng vẫn chọn cách khác.
Trước đây với tên gọi Hà Nội T&T, đội bóng này đã gặt hái được bao nhiêu danh hiệu. CLB SHB Đà Nẵng cũng tương tự, đội bóng sông Hàn vẫn luôn trong tim người hâm mộ sân Chi Lăng và Hòa Xuân. B. Bình Dương cũng là đội giàu thành tích của V.League hiện nay. Hay mới đây nhất là Đông Á Thanh Hóa, Topenland Bình Định.
Việc giữ được nguyên tên gọi là một điều tự hào, nhưng việc gắn tên với một doanh nghiệp là điều không có gì khó chấp nhận - nếu điều đó giúp một đội bóng có tài chính vững mạnh, giúp những nhà chuyên môn chọn được những cầu thủ tốt, ngoại binh tốt và phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn.
HLV Nguyễn Hữu Thắng - cựu HLV trưởng SLNA đã tâm sự rằng, điều ông mong ở SLNA không chỉ là trụ lại V.League, mà cần phải có một mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Đó là vô địch trong nước, vươn ra thi đấu các giải châu Á giúp bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiệm cận với khu vực. Có lẽ đó là lý do mà vị HLV này dứt áo ra đi năm 2014.
Đứng về góc độ của doanh nghiệp, nói một cách sòng phẳng trong thời đại phát triển, tư duy và nhận thức ngày một tiến bộ, sẽ khó tìm ra được một đơn vị tài trợ nào sẵn sàng đầu tư vào bóng đá mà không màng lợi ích quyền lợi (ví dụ như quảng cáo) nhưng để thương hiệu lớn như SLNA tìm được một hoặc thậm chí là nhiều nhà tài trợ chắc hẳn không phải là điều gì đó quá khó.
Một sự trọn vẹn là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn và hết sức chính đáng, nhưng nếu đặt lên bàn cân, giữa việc chỉ “tự hào về quá khứ” để rồi "hấp hối" với tư duy cũ, quanh quẩn trong việc tự nuôi sống chính mình, thậm chí là xuống hạng và việc bước sang một giai đoạn mới, thời kỳ mới vững mạnh và phát triển hơn, có doanh nghiệp đi cùng, các cổ động viên xứ Nghệ sẽ chọn điều gì?
Không chỉ những đôi chân thi đấu trên sân Vinh, các nhà chuyên môn, người hâm mộ mà chúng tôi tin rằng, bất kỳ ai quan tâm đến SLNA nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đều muốn mọi thứ cần phải thay đổi và đi lên, góp phần vào sự thành công chung của bóng đá nước nhà, của thể thao Việt Nam.
Thời buổi kinh tế khó khăn, việc tìm kiếm nguồn đầu tư vào bóng đá lúc này lại càng khó gấp bội. Nếu đúng là có 3 đơn vị hay nhiều đơn vị sẵn sàng đầu tư vào SLNA, thì họ cần được đón nhận, tạo mọi điều kiện tốt nhất vì bóng đá, vì sự phát triển chung.