(Baonghean.vn) - Ngày 7/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020; phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2017. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP chủ trì.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện các ban ngành liên quan |
Năm 2016, tình hình tội phạm tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm giết người gia tăng; tình hình mua bán người giảm về số vụ nhưng tăng về số nạn nhân; tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả; tội phạm công nghệ có chiều hướng gia tăng...
Nhằm kéo giảm tình hình tội phạm đạt hiệu quả hơn so với năm 2016, BCĐ 138/CP yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Trong đó cần chú trọng các phương án như: Nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội; khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm và chống vi phạm pháp luật, nhất là các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, đất đai, môi trường, lao động, quản lý vũ khí, vật liệu nổ...
Trên cơ sở đó, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu kiềm chế tổng số vụ phạm tội hình sự 3% - 5% so với năm 2016, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; giảm từ 15% - 20% số vụ do người chưa thành niên thực hiện và giảm từ 5% - 7% tội phạm xâm hại trẻ em; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75%/năm trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 95% trở lên;
Ít nhất 50% số khu vực dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự...
Hội nghị tập trung thảo luận đánh giá tình hình tội phạm; phân tích rõ nguyên nhân những việc chưa làm được; kiểm điểm hiệu quả hoạt động của BCĐ 138 các cấp; đề ra giải pháp để thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tiếp theo.
Trong đó nhiều đại biểu đề xuất: Các cấp ngành cần tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các mô hình kinh tế nhằm tạo nhiều việc làm; Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí chính thống, nhất là những vụ tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng để báo chí kịp thời thông tin định hướng dư luận, tránh để mạng xã hội suy đoán theo nhiều chiều làm hoang mang dư luận
Đối với người nghiện ma túy dạng đá và các loại ma túy khác đến mức loạn thần, cần cách ly khỏi cộng đồng để tránh hậu quả đáng tiếc.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại thông tin tình hình của các tội phạm trên địa bàn; kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm và kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhất và vùng miền núi, biên giới, dân tộc miền Tây Nghệ An để nhân dân ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; Tăng cường hoàn thiện các văn bản pháp luật, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn; Có chính sách hỗ trợ cho lực lượng Công an xã, công an viên và các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở...
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình chỉ đạo: Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, BCĐ 138 các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, lồng ghép thực hiện các chương trình, nghị quyết, chiến lược quốc gia, chương trình của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành về phòng, chống tội phạm.
Đặc biệt cần tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả đối với các loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội như tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, vi phạm pháp luật về môi trường; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để truy tố, xét xử kịp thời các vụ án, nhất là những vụ án được dư luận quan tâm… Từ đó tạo chuyển biến, đột phá mới về phòng, chống tội phạm.
Cảnh Nam