Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 10/7, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành, Tổ trưởng tổ thảo luận số 8, đại biểu HĐND tỉnh thuộc các đơn vị bầu cử huyện: Yên Thành, Tân Kỳ và Nghĩa Đàn đã thảo luận, đề cập nhiều nội dung.

 

Tổ số 8 gồm có 12 đại biểu được bầu tại các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Yên Thành. Ảnh: Đào Tuấn

Mở rộng chương trình hỗ trợ xi măng cho các xã đặc thù

Mở đầu buổi thảo luận, ông Vũ Anh Thế - Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành cho biết, thời gian gần đây cử tri phản ánh, việc Trại bò sinh thái đóng tại xã Diễn Lâm (Diễn Châu) thuộc Tập đoàn Mường Thanh tiến hành xây dựng, đào đắp phía thượng nguồn đập nước đã gây ô nhiễm môi trường phía hạ nguồn nơi có các xã của huyện Yên Thành. Đại biểu Thế cũng phản ánh đập thủy lợi của xã Đại Sơn (Đô Lương) thường xuyên xả lũ vào mùa mưa gây nên tình trạng ngập úng cho các xã giáp ranh thuộc huyện Yên Thành.  

Ông Hoàng Quốc Việt - đại biểu huyện Tân Kỳ phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đức Anh

Tham gia thảo luận, ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho rằng, thời gian qua với chính sách Nhà nước hỗ trợ xi măng để các địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới đã phát huy hiệu quả rất tốt. Chính vì vậy, đề nghị tỉnh mở rộng thực hiện chính sách đối với khu vực đặc biệt khó khăn, địa bàn vùng giáo. Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cũng cho biết, trong năm 2019, huyện Tân Kỳ được tỉnh hỗ trợ 2.400 tấn xi măng và nhờ vậy địa phương đã xây dựng được 16 km đường giao thông.

Clip: Đức Anh


Xây dựng giao thông ở xã Đồng Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu V.T

Phản ánh ý kiến cử tri, đại biểu Hoàng Quốc Việt đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện dự án đường N5 từ xã Hòa Sơn (Đô Lương) lên xã Tân Long (Tân Kỳ) như quy hoạch, thiết kế của dự án nhằm tạo điều kiện cho nhân dân.

Tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể quy trình sáp nhập xóm, xã
 Clip: Đức Anh

Đối với chủ trương sáp nhập, đổi tên thôn, xóm, đại biểu huyện Tân Kỳ cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là giải quyết chế độ, chính sách cho cả những cán bộ thôn, khối, xóm nghỉ và cả người nhận nhiệm vụ mới. Trong khi ngân sách của năm 2019 các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, vậy nên không có khả năng hỗ trợ đối với các đối tượng này, nhất là các xóm sau khi sáp nhập sẽ có diện tích rộng lớn hơn, nhiệm vụ vất vả, khó khăn hơn. Vì vậy đề nghị tỉnh có giải pháp, chính sách tăng mức phụ cấp cho cán bộ khối, xóm.

Đại biểu Phan Tiến Hải phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đức Anh

Cũng phản ánh những bất cập trong thực hiện chủ trương sáp nhập, đại biểu Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn thông tin, ở huyện Nghĩa Đàn có 310 xóm sáp nhập còn 189 xóm. Đại biểu Hải đề nghị tỉnh cần có văn bản hướng dẫn quy trình cụ thể. Trong đó có hướng dẫn chi tiết đối với việc sử dụng, quản lý hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa và ngay cả phương án để xử lý dư nợ của các xóm trước đó.

Nông, lâm trường quản lý nhiều đất nhưng hoạt động kém hiệu quả
 
Đối với hoạt động của các nông, lâm trường, đại biểu Phan Tiến Hải cho biết, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa có nhiều nông, lâm trường. Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nông, lâm trường hiệu quả rất thấp, chậm đổi mới, trong khi các tổ chức này hiện đang quản lý diện tích đất đai rất lớn. “Chỗ nào đất tốt thì thuộc về nông, lâm trường” - đại biểu Hải khẳng định, đồng thời cho rằng nếu các diện tích này nếu chuyển sang cho doanh nghiệp khác hoặc giao nhân dân quản lý, sử dụng thì hiệu quả cao gấp nhiều lần. Chính vì vậy, ông đề nghị, tỉnh cần nhìn nhận rõ hơn về thực tế này và có giải pháp chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả hơn.
Khai thác mủ cao su ở Công ty TNHH MTV nông, công nghiệp 3/2. Ảnh: Thành Duy

Nhiều nội dung được đại biểu kiến nghị

Nhấn mạnh về những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tỉnh, đại biểu Phan Thị Hoan - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang căng thẳng, các doanh nghiệp vừa gặp khó trong sản xuất, vừa gặp nhiều trở ngại trong xuất khẩu. Trong khi đó, thời gian qua, giá cả nhiều hàng hóa và lĩnh vực thiết yếu tăng cao, tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, điều này đòi hỏi tỉnh cần có các chính sách trọng điểm để hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính hiện còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu huyện Nghĩa Đàn còn phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của các trại bò thuộc Tập đoàn TH gây ra cho các xóm Nghĩa Chính, Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn). Để giải quyết tình trạng này, các đại biểu yêu cầu tỉnh và các cơ quan chức năng đẩy nhanh thực hiện việc tái định cư cho 29 hộ dân xóm Nghĩa Chính và 88 hộ dân xóm Đông Lâm (xã Nghĩa Lâm).

Ông Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành, Tổ trưởng tổ đại biểu số 8 chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: Đào Tuấn

Các vấn đề nổi cộm như: thực trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai... cũng được đại biểu kiến nghị tại phiên thảo luận. Đại diện các ngành chức năng cũng tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung mà đại biểu nêu.