(Baonghean.vn) - Chiều 8/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị giao ban báo chí định kỳ tháng 11 năm 2015. Các đồng chí: Lê Bá Hùng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hồ Quang Thành – Giám đốc Sở TT&TT cùng chủ trì hội nghị.
Tham dự giao ban có đại diện lãnh đạo các sở, ngành; Ban biên tập các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; Trưởng cơ quan đại diện, phóng viên thường trú các báo Trung ương trên địa bàn Nghệ An.
Trong tháng 11, các cơ quan báo chí đã chủ động bám sát các sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng, thông tin kịp thời các sự kiện nổi bật trong tỉnh và trong nước.
Nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được các cơ quan báo chí tập trung phản ánh như: Các hoạt động của lãnh đạo Trung ương ở Nghệ An, đoàn công tác của tỉnh tăng cường đối ngoại với các địa phương của Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, xã hội; kết quả Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng; các hoạt động kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18/11; kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…
Các cơ quan báo chí đã nêu cao tinh thần đấu tranh, có nhiều bài phản ánh về tình trạng xuống cấp của hệ thống xử lý rác thải y tế; lật tẩy chiêu trò lừa bịp của “Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới”; báo động tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường.
Trong tháng, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 19 văn bản chỉ đạo xử lý các vấn đề báo, đài phản ánh. Đến hết ngày 30/11/2015, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT&TT nhận được 29 công văn báo cáo kết quả xử lý vấn đề báo nêu của các địa phương, đơn vị; đa số thông tin báo chí phản ánh chính xác, có cơ sở.
Cuộc giao ban sôi nổi với những thông tin xung quanh thực hiện thí điểm Chương trình “Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt” trên địa bàn Nghệ An năm học 2015-2016 (theo Quyết định 4507/QĐ-UBND.VX của UBND tỉnh ngày 06/10/2015).
Chương trình được tổ chức thực hiện tại các huyện, thành, thị trong tỉnh theo nguyên tắc đề cao tính đồng thuận của phụ huynh, học sinh, khuyến khích tất cả các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh. Kinh phí thực hiện chương trình được huy động từ các bậc phụ huynh, ngân sách nhà nước và cộng đồng xã hội.
Trước mắt UBND tỉnh hỗ trợ 15% chi phí cho chương trình hỗ trợ 100% kinh phí cho học sinh hộ nghèo, con em thương binh, liệt sỹ; 50% với học sinh hộ cận nghèo; 30% học sinh bình thường thực hiện thí điểm tại huyện Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu và TP Vinh. Còn Tập đoàn TH cam kết hỗ trợ ở tất cả 21 huyện, thành phố, thị xã.
Đại diện các cơ quan báo chí đồng tình với chủ trương nhưng băn khoăn về cách triển khai chương trình nhằm đảm bảo công bằng, nhân văn. Một số ý kiến cho rằng liệu chương trình có đảm bảo nhân văn khi nhiều gia đình học sinh chưa tích cực hưởng ứng. Vậy cách thực hiện như thế nào? có gây áp lực cho nhà trường và gia đình?
Thay mặt Ban chỉ đạo chương trình, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin về kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm với quy trình thống nhất, có đánh giá, rút kinh nghiệm. Mục tiêu của chương trình là huy động sự tự nguyện của phụ huynh, học sinh vì sự phát triển của các em. Chương trình này không bắt buộc và ngành giáo dục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức để đảm bảo tính nhân văn.
Nguyên Nguyên