Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết hiện vẫn còn 1/3 lãnh đạo nhà xuất bản (NXB) chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập. Từ 1/1/2016, nếu lãnh đạo NXB không có chứng chỉ này thì xuất bản phẩm của NXB khó có thể ra thị trường.
 
Tại Lễ trao chứng chỉ hành nghề biên tập vừa được Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT tổ chức sáng ngày 9/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: “Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 đã xác định rõ những quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của biên tập viên và các chức danh Tổng giám đốc (giám đốc), Tổng biên tập các NXB. Theo đó, Tổng biên tập và biên tập viên NXB phải có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ TT&TT cấp”.
 
Tuy nhiên, Cục trưởng Chu Hòa lưu ý: “Hiện vẫn còn tới 1/3 lãnh đạo NXB (Tổng biên tập, Giám đốc) không được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập, có thể vì bận chưa đi học được hoặc vì một số lý do khác”.
 
images1422585_xuat_ban_pham.jpgẢnh minh họa. Nguồn: Internet.
Hiện trạng này sẽ gây khó khăn cho chính các NXB vì “từ 1/1/2016 tới, trong quá trình nộp lưu chiểu, hệ thống máy của Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tự động từ chối những xuất bản phẩm mà tổng biên tập hoặc giám đốc NXB chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập. Khi đó, xuất bản phẩm sẽ không thể phát hành ra thị trường được”, ông Chu Hòa nhấn mạnh.
 
Về phía các biên tập viên của các NXB, tính đến nay cũng còn rất nhiều biên tập viên chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập. Trong khi theo quy định của Luật Xuất bản, từ 1/1/2016, chỉ những biên tập viên có chứng chỉ hành nghề mới được đứng tên trên xuất bản phẩm. Khi làm thủ tục nộp lưu chiểu, xuất bản phẩm được xuất bản bởi biên tập viên chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập sẽ không được đưa vào danh sách phát hành ra thị trường.
 
Từ 1/1/2016, lai lịch từng cuốn sách phát hành ra thị trường sẽ được công khai trên mạng. Người đi mua sách có thể biết gốc tích cuốn sách, người nào biên tập, ai là tổng biên tập/ giám đốc, cuốn sách ra đời bao lâu.. Những cuốn sách không có đủ thông tin này trên mạng thì là sách bất hợp pháp”, Cục trưởng Chu Hòa nói.
 
 

Chia sẻ thêm về hiện trạng biên tập viên của các NXB, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận định: “Đội ngũ biên tập viên tuy có bằng cấp đa dạng về chuyên ngành, trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ cao, tuổi trung bình tương đối trẻ và có sự năng động hơn so với thế hệ biên tập viên đi trước, nhưng lại thiếu  kinh nghiệm, không đồng đều về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xuất bản, thậm chí không vững về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị. Việc thiếu đội ngũ biên tập chuyên sâu, vững vàng về nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị cũng đang đặt ra cho các NXB và toàn ngành một vấn đề vừa cấp bách lại vừa lâu dài về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

“Việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập nhằm góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ biên tập viên. Thông qua việc cấp, thu hồi chứng chỉ sẽ kiểm soát, sàng lọc đội ngũ biên tập viên, để đảm bảo trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Qua đó góp phần đảm bảo chất lượng nội dung xuất bản phẩm đúng định hướng và tuân thủ các quy định của pháp luật, mang đến cho xã hội nhiều xuất bản phẩm hay, tốt, có giá trị”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói thêm.

Để quản lý hiệu quả chứng chỉ hành nghề của đội ngũ biên tập viên, lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị giám đốc, tổng biên tập các NXB phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, theo dõi việc hành nghề biên tập của các biên tập viên, phát hiện kịp thời sai phạm, chủ động đề xuất Cục thu hồi chứng chỉ nếu biên tập viên để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về nội dung. Biên tập viên nào chưa được cấp chứng chỉ thì không được biên tập và đứng tên trên xuất bản phẩm.
 
Theo Infonet