Khoảng 12h trưa 12/8, tại Khoa Hồi sức tích cực (BV Đa khoa Hà Tĩnh), người nhà bệnh nhân quá khích đập phá tài sản, đánh trọng thương 4 y, bác sĩ khi người thân bị sốc thuốc rồi tử vong.
Nhưng theo lý giải của nhiều bác sĩ, sốc phản vệ có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do cơ địa của người bệnh chứ không chỉ do dùng thuốc.
Ai cũng có nguy cơ
Theo BS CK1 Bùi Hạnh Tâm (Bác sĩ gây mê – hồi sức Khoa Phẫu thuật tim mạch, BV Đại học Y Dược TPHCM), nói đến sốc phản vệ, chúng ta thường hay nghĩ đến sốc do thuốc. Điều này không hoàn toàn đúng, vì ngoài thuốc, có rất nhiều chất có thể gây phản ứng dị ứng mà biểu hiện nặng nề nhất là sốc phản vệ, ví dụ: Găng tay y tế, nhựa latex, trái cây, thịt bò, sữa đậu nành, nọc ong... Không chỉ có thuốc kháng sinh mới gây sốc, nhiều loại thuốc khác, thậm chí rất “lành” như các loại vitamin cũng có nguy cơ tương tự. Cũng cần kể đến các thuốc hay dùng trong bệnh viện như: Thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc cản quang, thuốc giãn cơ, dịch truyền (hay gọi là nước biển), dịch nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch... Thậm chí, ngay cả thuốc dùng chống sốc cũng có thể gây sốc phản vệ.
“Cấp cứu sốc phản vệ phải được thực hiện ở nơi có đầy đủ con người và dụng cụ hỗ trợ, trong đó không thể thiếu bác sĩ và hộp thuốc chống sốc. Vì vậy, nếu bạn có tiền sử dị ứng thì hãy nói với bác sĩ. Ngoài ra, bạn cần biết cách nhận diện các dấu hiệu sớm về dị ứng như đã nêu và nói với bác sĩ ngay khi chúng mới xuất hiện. Sốc phản vệ có thể xảy ra sớm, đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1–2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống”, BS Tâm nói.
Cảnh báo sốc từ chính biểu hiện dị ứng
BS Nguyễn Hữu Trường (Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai) cho biết, phản ứng dị ứng không trừ một ai, ở bất kỳ độ tuổi nào, ngay trong bệnh viện hay bất kỳ nơi nào khác. Cũng giống như người tham gia giao thông vậy, cho dù bạn di chuyển bằng máy bay hay đi bộ, thời tiết tốt hay xấu, ban ngày hay ban đêm thì yếu tố nguy cơ luôn luôn thường trực. Biểu hiện của phản ứng dị ứng rất đa dạng: Đỏ da, nổi mề đay, ho, sưng phù mắt, phù miệng, khó thở, mệt mỏi... đến suy hô hấp thậm chí ngưng tim. Đôi khi, tử vong là khó tránh khỏi. Phản ứng dị ứng có khi xảy ra ngay tức thì hoặc có thể xảy ra muộn hơn sau một vài giờ tiếp xúc với chất lạ, đôi khi nó chỉ có thể xảy ra ở các lần tiếp xúc sau.
Theo phân tích của ngành y tế, có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong ngay sau khi tiêm thuốc kháng sinh mặc dù nhân viên y tế đã tuân thủ nghiêm chỉnh quy tắc điều trị khi dùng thuốc. Đó là những ca sốc phản vệ, một dạng dị ứng thuốc nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm, nhiều khi là bất khả kháng do cơ địa dị ứng của người được dùng thuốc. Nguy hiểm hơn, sốc phản vệ có thể xảy ra ở liều dùng rất nhỏ (tức là sốc phản vệ có thể xảy ra ngay khi thử test), không có dấu hiệu báo trước và mọi phương tiện cấp cứu sau khi đã đưa thuốc vào người đều không cứu được bệnh nhân. Đó là rủi ro không ai mong muốn mà người dùng thuốc cần biết để chia sẻ với ngành y tế nếu có phản ứng có hại nguy hiểm xảy ra trong quá trình dùng thuốc.
Làm thế nào biết mình bị phản ứng thuốc?
Theo BS Nguyễn Hữu Trường, phản ứng dị ứng thuốc ngay tức thì, nặng nhất là phản ứng phản vệ mà biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốc phản vệ. Nhẹ hơn thì có thể phản ứng trên da: Ngứa, nổi mẩn đỏ da (có thể khu trú tại chỗ hoặc lan ra toàn thân). Phản ứng chậm hơn ở ngoài da sau vài giờ đến vài ngày như hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng Lyell - bong da, tróc niêm mạc toàn thân, bệnh nhân cũng có thể tử vong sau đó vì nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết.
Sau khi dùng thuốc, nếu bị các triệu chứng kể trên thì người bệnh nên đến bệnh viện ngay và thông báo cho bác sĩ biết thuốc mình đã sử dụng thật đầy đủ. Có nhiều triệu chứng mà người bệnh không thể nào biết, như uống thuốc xong bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu... thì phải theo dõi nhiều ngày sau dùng thuốc mới nhận biết được bởi cán bộ y tế.