Ngày 1/9/1939, Adolf Hitler đưa quân tấn công miền tây Ba Lan, mở đầu cuộc Đại chiến thế giới lần thứ 2. Thất bại của Ba Lan vào ngày 6/10 mở đầu cho chuỗi chiến thắng liên tiếp của quân phát xít. Lần lượt Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Pháp đều rơi vào tay Hitler chỉ trong vòng 5 tuần giao tranh. Ngày 10/7, Hitler bắt đầu cho ném bom nước Anh để chuẩn bị cho Chiến dịch Sư tử biển với mục tiêu xâm lược quần đảo Anh.
Trước nguy cơ bị xâm lược, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã ra lệnh khẩn tới Porto Down, một cơ sở quân sự mật ở miền nam vốn được thiết lập trong Thế chiến thứ nhất có nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng khí độc làm vũ khí quân sự. Cơ sở này ra đời sau khi người Đức đưa khí độc Clo ra chiến trường vào năm 1915. Churchill giao nhiệm vụ mới cho Porto Down: tìm cách sử dụng vi khuẩn gây bệnh than chết chóc làm vũ khí sinh học.
Chương trình chế tạo vũ khí sinh học này được gọi là “Chiến dịch Người ăn chay”.
Anthrax là tên loại bệnh do vi khuẩn Bacillus anthracis, vốn sống trong đất, gây ra. Nếu các bào tử hình hạt của vi khuẩn này xâm nhập qua một vết cắt trên da cơ thể người, bệnh nhân sẽ bị nhiễm khuẩn nặng và tỉ lệ tử vong là khoảng 20% vào thời điểm đó. Khi bào tử bệnh than được người bệnh nuốt hay hít phải thì nguy cơ tử vong còn cao hơn nhiều.
Vào những năm 1930, vi khuẩn bệnh than có thể giết chết 60% số bệnh nhân hoặc động vật nuốt phải bào tử; còn tỉ lệ tử vong ở những nạn nhân hít phải bào tử này thì lên tới 95%.
Cái chết từ trên không trung
Khi bào tử bệnh than bị gia súc ăn phải, trong trường hợp gia súc nhiễm khuẩn không chết, thì thịt của nó cũng sẽ làm lây lan bệnh cho bất cứ ai ăn phải. Tính dễ lây lan của vi khuẩn bệnh than đã khiến các nhà khoa học ở Porton Down quyết định tập trung vào kế hoạch táo bạo: làm gián đoạn nguồn cung cấp thịt tại Đức bằng cách diệt sạch các đàn gia súc khổng lồ ở khắp miền bắc nước Đức.
Họ sẽ chế một lượng lớn “bánh gia súc” có chứa bào tử bệnh than rồi cho máy bay thả xuống các cánh đồng chăn nuôi gia súc của Đức. Bất cứ con vật nào ăn phải món bánh này sẽ chết chỉ trong vài ngày.
Giới chức tại Porton Down đã đặt hàng sản xuất một lượng nguyên liệu thô đủ để làm ra 5 triệu “bánh gia súc”. Rồi họ thuê một nhà sản xuất xà bông ở London cắt nguyên liệu này thành những chiếc miếng bánh có đường kích 2,5cm. Cuối cùng, Porton Down thuê hơn chục công nhân sản xuất xà bông, đều là nữ, đến trực tiếp cơ sở bí mật và bơm các bào tử bệnh than vào “bánh gia súc”. Số bào tử này được cung cấp bởi Bộ Nông nghiệp Anh.
Vào mùa xuân năm 1944, toàn bộ 5 triệu chiếc “bánh gia súc” đã được sản xuất xong, bên trong chứa đầy bào tử bệnh than. Những chiếc máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia Anh cũng đã sẵn sàng xuất kích thả bánh xuống khắp miền bắc nước Đức. Các tướng lĩnh phụ trách chiến dịch tính toán rằng chỉ mất khoảng 18 phút để phi đội máy bay bay tới các mục tiêu tại Đức.
Cứ mỗi 2 phút, một chiếc máy bay thả được 400 chiếc bánh, do vậy việc thả 4.000 chiếc sẽ mất 20 phút. Nếu 12 chiếc máy bay tham gia vào sứ mạng thì cả đội sẽ thả được 48.000 chiếc trong cùng thời gian.
Khi kết thúc chiến dịch, hầu hết các cánh đồng cỏ ở miền bắc Đức sẽ bị nhiễm khuẩn than. Và vẫn còn hàng triệu chiếc “bánh gia súc” để dành cho những vùng khác. Do bào tử bệnh than có thể sống trong đất cả thế kỷ hoặc hơn thế, những vùng đất nhiễm khuẩn sẽ là những nơi không thể sinh sống trong nhiều thế hệ.
Tất cả chỉ còn chờ lệnh từ Thủ tướng Winston Churchill.
Nhưng lệnh cho các máy bay chở bánh khuẩn than xuất kích cuối cùng không bao giờ được ban ra. Lý do là cuộc chiến khi đó đã thay đổi mang tính chất quyết định. Chiến dịch Sư tử biển của Hitler nhằm xâm chiếm nước Anh không được tiến hành sau khi tiêm kích Anh bắn rơi quá nhiều máy bay Đức oanh tạc mở đường. Thay vì đưa quân tấn công đổ bộ vào Anh, Hitler chuyển hướng sang Liên Xô, và ngày 22/6/1941, quân Đức nổ súng tấn công Liên Xô ở sườn tây.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945, toàn bộ 5 triệu chiếc “bánh gia súc” vẫn nằm nguyên trong kho ở Porton Down và được tiêu hủy trong lò đốt.
Hòn đảo chết chóc
Chỉ còn lại một cái tên gắn với chương trình vũ khí bệnh than của Anh là đảo Gruinard, một hòn đảo nhỏ nằm cách bờ biển tây bắc Scotland không đầy một dặm. Vào năm 1942, 1943, Chính phủ Anh đã sử dụng nơi này làm địa điểm thử nghiệm bom bệnh than. Trong một vụ thử, người ta đã cho nổ một quả bom bào tử bệnh than gần 60 con cừu. Hít phải các bào tử, chỉ trong vài ngày, toàn bộ số cừu đều lăn ra chết.
Đảo Gruinard trở thành khu vực cấm kể từ đó. Vào những năm 1980, Chính phủ Anh quyết định không chờ cho các bào tử bệnh than tự biến mất một cách tự nhiên nữa. Họ cho hớt hàng tấn lớp đất ô nhiễm nhất trên đảo và bơm 20 tấn formaldehyde vào nguồn nước để diệt bào tử bệnh than còn sót lại, rồi đưa cừu trở lại đảo. Năm 1990, khi số cừu này vẫn sống khỏe và các mẫu đất xét nghiệm không còn dấu hiệu của bệnh than, thì những cảnh báo nguy hiểm mới được dỡ bỏ tại đảo.