Liên quan đến vấn đề trên, Báo Nghệ An phỏng vấnông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
PV:Thưa ông, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có khá nhiều nét mới trong khâu tổ chức. Qua 2 ngày diễn ra kỳ thi ông đánh giá như thế nào về kết quả?
Ông Nguyễn Văn Khoa:Đến thời điểm này, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và các Hội đồng thi đã thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Kỳ thi cũng đã áp dụng một số kỹ thuật mới của Kỳ thi THPT Quốc gia như việc lắp đặt camera nhằm bảo mật đề thi, bài thi, cách đánh số báo danh...
Trong những ngày thi đoàn thanh tra lưu động của Sở cũng đã giám sát chặt chẽ công tác coi thi ở các hội đồng thi và kịp thời nhắc nhở những tồn tại trong quá trình thực hiện.
PV:Việc ra đề thi được xem là một khâu quan trọng của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, ở đề thi môn Toán, một số học sinh và giáo viên cho rằng quá khó. Điều này, liệu đã đúng với mục tiêu đặt ra?
Ông Nguyễn Văn Khoa: Đến thời điểm này, đề thi được dư luận, nhiều giáo viên và học sinh đánh giá là khá tốt, có sự phân hóa cao, sát với kỹ năng, kiến thức chương trình. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành đặt ra trước kỳ thi, đó là đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phân hóa được học sinh.
Riêng ở đề thi môn Toán, đề thi có phân hóa rõ nét ở các câu 4 b, c và câu 5 và để đạt được điểm 9, 10 phải là học sinh thực sự khá giỏi. Thông qua đó, giúp các trường dễ phân hóa học sinh nhằm tuyển sinh được đầu vào có chất lượng.
PV: Liên quan đến Kỳ thi năm nay, 2 ngày qua nhiều thông tin cho rằng câu 3 của đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 giống với một câu của đề thi khảo sát chất lượng học kỳ II do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành ra đề. Điều này có đúng không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khoa:Đúng vậy, có sự trùng hợp ngẫu nhiên về tác phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là sự trùng hợp về mặt ngữ liệu một cách ngẫu nhiên.
Cụ thể, ở phần làm văn (câu 2), đề của Sởyêu cầu thí sinh: Cảm nhận về ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong hai khổ thơ trích trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”, sách Ngữ văn lớp 9. Đề thi khảo sát chất lượng học kỳ II do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cũng yêu cầu về “Ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải” trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” với hai khổ thơ tương tự.
Theo quy định, trong đề thi môn Ngữ văn (phần làm văn) bắt buộc phải chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 (các câu khác không bắt buộc). Vì vậy, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở ra trùng một tác phẩm của huyện Yên Thành hoặc các huyện, thành, thị khác là bình thường, vì ở các địa phương vẫn thường lấy các tác phẩm hay để ra đề thi học kỳ, đề thi thử môn Ngữ văn.
Hơn nữa, tác phẩm được chọn “Mùa xuân nho nhỏ”là một trong những bài thơ hay nhất của chương trình Ngữ văn 9 và hai khổ thơ được trích dẫn là hay nhất trong bài, chứa đựng nội dung tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Vì thế, những người ra đề thường chọn đoạn ngữ liệu này.
Tôi cũng khẳng định, hai đề thi chỉ trùng đoạn ngữ liệu trong một tác phẩm nhưng yêu cầu đề khác nhau, mục đích khai thác tác phẩm khác nhau, mục đích đánh giá học sinh khác nhau. Cụ thể, đề thi khảo sát học kỳ của huyện Yên Thành là dạng đề mở, không yêu cầu kiểu bài. Học sinh thoải mái lựa chọn kiểu bài, có thể là kiểu bài phân tích, kiểu bài chứng minh, kiểu bài biểu cảm… chú trọng vào nội dung kiến thức.
Trong khi đó, đề thi của Sở, không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức của người học, mà quan trọng hơn là kiểm tra kỹ năng làm bài của học sinh. Vì thế, học sinh nào chủ quan cho rằng hai đề làm văn giống nhau thì rất dễ lạc đề và mất điểm.
PV:Ông có thể cho biết về quy trình làm đề thi của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay và việc trùng ngữ liệu có ảnh hưởng đến kết quả thi?
Ông Nguyễn Văn Khoa: Việc trùng ngữ liệu trong câu làm văn không ảnh hưởng đến chất lượng phân loại thí sinh và nói đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở và thi khảo sát học kỳ của huyện Yên Thành giống hệt nhau ở câu 3 là không có cơ sở.
Về quy trình ra đề, Sở cũng đã thực hiện theo hướng dẫn về cấu trúc đề thi tuyển sinh quy định tại Công văn số 665/SGD&ĐT và thực hiện nghiêm túc 5 bước:
Bước 1: Để cả nhóm ra đề thống nhất xây dựng ma trận đề.
Bước 2: Chia ma trận đề làm 3 phần tương đương nhau về điểm, tổ chức bốc thăm phần đề để ra. Mỗi người ra 2 phần đề trong phần đề mình bốc thăm được.
Bước 3: Sau khi làm xong phần đề được giao, bốc thăm rồi ghép lại được đề 1 và đề 2, tổ chức phản biện theo nguyên tắc vòng tròn, chỉnh sửa lại hoàn chỉnh.
Bước 4: Bốc thăm 1 trong 2 phần của mỗi người rồi ghép lại được đề chính thức, phần còn lại ghép làm đề dự bị.
Bước 5: Hoàn thiện các đề thi chính thức, đề dự bị theo mẫu, tiến hành giải các đề lại để kiểm tra sự phù hợp về thời gian thi, nếu không thấy phù hợp thì điều chỉnh.
Quá trình ra đề các giáo viên đều được cách ly, thực hiện theo quy trình. Phòng bảo quản đề thi, bài thi được đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24 giờ/ngày.
P.V: