Mỗi khi nói về việc các tiền đạo không ghi bàn do không có bóng hoặc không nhận được bóng trong tư thế thuận lợi nhất có thể, giới bình luận thể thao thường dùng từ “đói bóng”, kể cũng là một cách nói dân dã và dễ nghe.
Tất nhiên, trong hoàn cảnh “đói bóng” như vậy, người ta thường đi tìm nguyên nhân và nơi đầu tiên được “soi” kỹ là tuyến tiền vệ, nhất là vị trí tiền vệ tổ chức, làm bóng, kiến thiết, cũng theo cách nói của giới bình luận.
Bài viết trước có nói đến chuyện SLNA sau thời kỳ 1990 liên tục sản sinh ra những sát thủ thượng thặng, có nguyên nhân cơ bản từ việc đội bóng có được những tiền vệ tài năng bậc nhất của bóng đá Việt, từ tuyến trẻ cho đến đội 1. Các giải trẻ có các tiền vệ tài hoa như Phan Như Thuật, Nguyễn Công Mạnh đi liền cặp với các tiền đạo Văn Quyến, Thanh Hoàn…
Nhưng dấu ấn sâu đậm hơn cả ở đội 1 SLNA vẫn là tiền vệ vang bóng một thời Phan Thanh Tuấn.
Xem Thanh Tuấn thi đấu, giới chuyên môn thậm chí còn khẳng định, nếu mọi việc bình thường thì Hồng Sơn của Thể Công thời đó chưa chắc đã “có cửa” trước Thanh Tuấn bởi sự xuất sắc hiếm thấy ở vị trí này của tiền vệ SLNA.
Người viết còn nhớ như in trận đấu của SLNA trên sân Vinh trước Công an Hà Nội thời còn là một “thế lực” thực sự. Vậy nhưng, dưới sự cầm trịch của Phan Thanh Tuấn, đội chủ sân Vinh vẫn thắng cách biệt 2-0, trong đó có pha đi bóng tốc độ của Thanh Tuấn từ giữa sân sang cánh trái, loại tiền vệ phòng ngự rồi bất ngờ chuyền bóng chếch sang cánh phải, vặn lưng toàn bộ hàng thủ đội khách để Sỹ Thủy băng xuống đệm bóng ghi bàn.
Chuyện của Thanh Tuấn nhưng cũng góp phần lý giải vì sao thời đó Văn Sỹ Thủy đoạt được ngôi Vua phá lưới (2000), ngoài nỗ lực của cá nhân, còn có nguyên nhân từ việc được tiền vệ tổ chức “dọn cỗ”, tạo cơ hội thuận lợi để ghi bàn...