Sở dĩ vị HLV này nói thế là bởi 2 đội hàng xóm thi đấu giao hữu với nhau nhiều lần, vào giải cũng đã gặp nhau. Ở trận đấu derby xứ Nghệ trên sân Vinh mùa trước, 2 đội hòa nhau 1-1 dẫn đến điều ông Minh Đức nói ra như trên. Điều đáng nói nữa là SLNA từ chỗ trên cơ người hàng xóm, thì dần dà ngang bằng và tụt sau, khi trận tái đấu ở vòng 10 V. League ngày 17/4/2021, chủ nhà SLNA đã bất ngờ thua trắng HL-HT với tỷ số 0-2 và bị đối thủ đẩy xuống cuối bảng xếp hạng cho đến hiện tại.
Vậy nên, dù muốn, dù không, người ta vẫn phải căn cứ vào một nhận định chính thức của người trong cuộc để làm rõ câu chuyện chiến thuật của SLNA, nhất là trong bối cảnh tái cấu trúc đội bóng.
Người viết bài này bàn câu chuyện này không chỉ một lần và luôn giữ quan niệm: sử dụng sơ đồ nào không quan trọng mà quan trọng nhất là phát huy năng lực của từng cầu thủ, từng vị trí và cả đội trên sân để giành thắng lợi. SLNA lâu nay luôn ra quân 4-4-2 nên ông Minh Đức nói “chỉ có thế” và “9 trận nay họ đều đá thế” là đúng và nói thẳng ra chê là đúng, kết quả đã nói rõ. Câu hỏi đặt ra là HLV Quang Trường sao không thay đổi, vì thói quen hay vì những lý do nào khác? Tất nhiên, câu hỏi này giờ đặt ra cho HLV Huy Hoàng, liệu có dám thay đổi sơ đồ, lối chơi khi có lực lượng mạnh nhất, ưng ý nhất?
Trận chung kết EURO 2020 mới đây, HLV Mancini của Italia đã thản nhiên như không trước đội tuyển Anh khi đối thủ không chơi với sơ đồ 4 hậu vệ mà chuyển thành 3 trung vệ (và đội này từng thắng ngoạn mục 2-0 trước đội tuyển Đức trước đó). Mancini chỉ yêu cầu cầu thủ chơi với tất cả những gì mình có lâu nay, vẫn dùng 4 hậu vệ truyền thống và đội hình không có gì xáo trộn. Cuối cùng Italia vẫn giành được kết quả có lợi, từ gỡ hòa tới chiến thắng trên chấm luân lưu.
Chuyện khác, cổ động viên Hà Lan đã thuê hẳn một chiếc máy bay hạng nhẹ treo khẩu hiệu đòi HLV Hà Lan, F. de Boe phải quay về sơ đồ 4-3-3 truyền thống để thi đấu tại EURO 2020, mặc cho đối thủ thay đổi đội hình ra sao… Là để nói tới chuyện, sắp xếp sơ đồ chiến thuật nào là quan trọng, nhưng nếu không phát huy được sức mạnh thì cũng bằng thừa!
Rõ ràng, từ những ví dụ trên, có thể thấy một đội bóng chơi biến hóa với nhiều sơ đồ khác nhau vẫn là một đội bóng “biết người, biết ta” và HLV Huy Hoàng chắc chắn phải tập cho mình và cho SLNA quen thuộc với điều quan trọng này. Dứt khoát không khư khư một lối cũ, để người bắt bài rồi chạy theo toát mồ hôi. Nhưng nếu trong quá trình tập luyện, mọi chỉ số, thông số đều cho thấy một niềm tin chắc chắn rằng, nếu chơi với sơ đồ 4-4-2 quen thuộc sẽ đạt hiệu quả nhất thì vẫn phải kiên định mà tiến hành, không vì nọ kia mà thay đổi, nhất là từ những…tay chém gió trên bàn phím!
Còn nhớ ở World Cup 2002, đội tuyển Nga dưới tay HLV Romansev sử dụng một lối chơi cũ kỹ, chậm rãi, vô hồn, thua cả Nhật Bản, sau đó được giới mộ điệu tặng cho biệt danh đáng xấu hổ là “đội bóng kỷ Jura”(nhại theo tên một bộ phim về thời tiền sử Công viên kỷ Jura). SLNA từng để người khác nói “chỉ có thế” phải biết làm mọi cách để người khác nhận thức lại rằng, SLNA không chỉ có thế mà còn hơn thế, hơn thế nữa, bắt đầu từ hôm nay...