Số ca chấn thương trước đó không những chưa kịp hồi phục, lại còn tăng thêm với danh sách kéo dài Jelic, Bá Sang, Văn Lắm rồi Sỹ Nam... Ở trận giao hữu lượt về, SLNA chỉ có ngoại binh Bruno chơi đủ 90 phút, còn Peter vắng mặt và Jelic chỉ chơi được ít phút rồi rời sân. Kết quả giao hữu thắng thua có thể không quan trọng, nhưng nhìn cách đội chủ sân Vinh bế tắc, rời rạc trước đối thủ không quá mạnh, nhiều người đã nghĩ tới kết cục không mấy dễ chịu trong chặng “toumalet” nhọc nhằn tới đây của thầy trò ông Ngô Quang Trường.
Được biết, những khó khăn về lực lượng, nhất là ngoại binh của đội bóng vừa nói trên chưa phải là điều khiến ban huấn luyện và người hâm mộ lo lắng, băn khoăn nhất. Ai cũng biết SLNA luôn là đội bóng “nghèo” nhất, nhì V. League 1 do nguồn lực xã hội hóa ở mức thấp, không có một “ông bầu” thực sự đầu tư mạnh tay cho đội bóng. Cảnh ăn đong, vay mượn, sốt ruột tìm nguồn tài trợ trước mỗi mùa bóng, tiêu chuẩn sân bãi không đạt yêu cầu… vì vậy đã trở nên là chuyện thường ngày và là “đặc sản” nơi đây.
Và đã bao năm rồi, dù người ta nói mãi, kêu gọi mãi về “niềm tự hào xứ Nghệ”, dù phòng truyền thống đã đầy ắp Cúp Vàng, Cúp Bạc… thì việc đội 1 ngày càng thi đấu trầy trật, chưa xuống hạng nhưng cũng đã tham gia chống xuống hạng ngày càng trở nên “có triển vọng” trở thành nơi lấy điểm của các đối thủ giàu mạnh, kể cả 2 đội bóng hàng xóm đang lên là Thanh Hóa và HLHT.
Bóng đá xã hội hóa là thời ra tay của các ông bầu, ông chủ, là con đường tất yếu, ai đi sau, níu kéo bao cấp, lặp đi lặp lại hội chứng “học sinh giỏi kéo dài” thì không khó nhọc, không rầu rĩ mới là lạ.
SLNA chưa xuống hạng, chưa đến mức phải đi đấu play-off nhưng hãy xem, còn đâu thời bất cứ đội bóng nào đến sân Vinh cũng mang tâm lý “thua” trước khi trọng tài thổi còi, còn đâu “chảo lửa Vinh” mà nhiều nơi mơ ước? Không phải ngẫu nhiên, những thế lực của bóng đá Việt như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Đồng Tháp… đã là quá khứ không bao giờ trở lại và ai dám chắc SLNA không đi theo “vết xe đổ” đó nếu không biết tìm cách nuôi giữ đội bóng khi mọi thứ còn có thể?
Lâu nay ai đó than thở việc tỉnh không quan tâm đội bóng như trước? Điều đó đúng sai không bàn luận vì điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội của địa phương, của cả nước, thậm chí toàn cầu hoàn toàn khác trước và tất yếu, không có/còn nơi nào họp thường vụ, họp hội đồng… còn say sưa bàn chuyện bóng đá!
Việc trả bóng đá về cho xã hội tự vận hành, tự lo là con đường thiên hạ đã đi mòn đường, chết cỏ. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều nơi đã làm tốt, làm từ lâu rồi, tha hồ sống khỏe, sống vui, mà bao năm qua, SLNA vẫn cứ điệp khúc “lương thấp, thưởng hẻo” “chảy máu nhân tài” và mùa bóng đầy biến động này nghe đâu lại càng “thiếu trước, hụt sau”?
Vì sao tỉnh, đội bóng chưa/không tìm ra, tìm được nhà tài trợ đủ sức đưa SLNA ổn định chuyện “cơm gạo, áo tiền” muôn thuở trước, trong và sau mỗi mùa bóng? Còn có mắc mớ, sâu xa nào phía trong, phía sau, phía trước mà mọi chuyện cứ “vũ như cẩn”? Hãy xem người láng giềng Thanh Hóa xử lý câu chuyện tài trợ để xem rút được bài học gì khả dĩ? Hãy hỏi sao mình phải chạy theo đội bóng Bình Định mới trở lại con đường xưa mà trong tay đã rủng rỉnh mọi thứ?
“Người hùng” thời bao cấp không kịp đổi mới và trở nên ủ rũ trong thời xã hội hóa là điều có thể hiểu được và là chuyện không mới! Chuyện mới là người có trách nhiệm, người tâm huyết biết rõ, biết kỹ mà cứ để cho mọi chuyện như không có điều gì xảy ra, như là trách nhiệm của người khác, của “giời ơi đất hỡi”!
Hay là cứ để, cứ chờ cho đến khi việc gì phải đến, sẽ đến?
Nghĩa là để khi đội bóng duy nhất V. League chưa phải xuống hạng SLNA mùa này…xuống hạng (!), rồi khi đó hẵng biết rõ đâu là ngô, đâu là khoai, mô cày lại, mô bỏ hoang…?