Nếu V-League 2019 chỉ được Transfermarkt định giá 7,3 triệu USD thì năm ngoái V-League 2020 có giá trị cao thứ 3 Đông Nam Á với 37 triệu USD, xếp sau Thái Lan (69,5 triệu USD) và Indonesia (67,6 triệu USD). Do không thi đấu cấp đội tuyển quốc gia và các giải khu vực nên giá trị chuyển nhượng cầu thủ V.League hiện đã giảm nhẹ so với mùa giải trước.
So sánh Thái Lan và Việt Nam
Chúng ta có thể tham khảo 16 đội tham gia Thai.League 1 có tổng giá trị 67,48 triệu euro, trung bình mỗi cầu thủ có giá chuyển nhượng 144.000 euro. Tại Thái Lan CLB Buriram United có tổng giá chuyển nhượng cầu thủ đắt nhất 6,90 triệu euro, Cảng FC có giá chuyển nhượng cầu thủ 6,30 triệu euro.
Cũng như Việt Nam, bóng đá Thái Lan chuộng cầu thủ quốc tịch Brazil, cao giá nhất lại là hậu vệ phải Adrade (32 tuổi, True Bangkok United) 800.000 euro. Hiện giá chuyển nhượng cả ngoại bình lẫn nội binh của giải Thai- League 1 đều cao hơn V.League của Việt Nam chúng ta.
Theo Transfermarkt tổng giá trị cầu thủ 14 đội V.League(408 cầu thủ) hiện nay là 33,89 triệu euro, trung bình mỗi cầu thủ có giá trị chuyển nhượng khoảng 83.000 euro. Đứng đầu, tất nhiên là Hà Nội FC với dàn sao cả nội binh lẫn ngoại binh có giá trị chuyển nhượng cầu thủ lên đến 4,33 triệu euro, tiếp theo là nhà vô địch Viettel 3,65 triệu euro. Đội SLNA được định giá 2,41 triệu euro đứng thứ 7, xếp trên người láng giềng Thanh Hóa 2,34 triệu euro, nhưng thua Bình Dương 2,47 triệu euro.
Tân binh T.Bình Định chỉ được định giá 970.000 euro đứng cuối cùng, Nam Định xếp trên 1,43 triệu euro. Mặc dù có tới 6 ngoại binh và cầu thủ Việt kiều nhưng Hải Phòng cũng chỉ được định giá 2,1 triệu euro xếp thứ 9.
Cầu thị đắt nhất tại sân cỏ Việt Nam được Transfermarkt định giá chuyển nhượng là 400.000 euro gồm Pedro (Viettel), Bruno (Hà Nội FC) và Lee Nguyễn (TP.HCM). Giá chuyển nhượng 350.000 euro có các ngoại binh M.Bruno (Viettel), Junior (TP.HCM). Các cầu thủ Việt đắt nhất có giá 300.000 euro gồm có Văn Toàn (HAGL), Tiến Linh (Bình Dương), Quang Hải (Hà Nội FC), Ngọc Hải (Viettel) đều là các tuyển thủ quốc gia.
Sau khi về Bình Định và ghi được bàn thắng đầu tiên thì hậu vệ Hồ Tuấn Tài đã có giá 250.000 euro ngang với đàn anh Văn Quyết, Hùng Dũng, Duy Mạnh, Thành Chung (Hà Nội), Tô Văn Vũ (Bình Dương), Hải Huy (Quảng Ninh), Công Phượng (HAGL).
Thủ môn Văn Công của Hà Nội FC có giá 175.000 euro, cao nhất trong nhóm những người gác đền. Tiền vệ trung tâm Cao Văn Triền (Sài Gòn) cầu thủ dự định đi đá J2.League 2021 cũng chỉ được định giá 150.000 euro.
Đáng ngạc nhiên nhất là trung vệ Pape Diakate có giá 300.000 euro hiện vẫn thất nghiệp sau khi bị TP.HCM chấm dứt hợp đồng, thủ môn dự bị Bùi Tiến Dũng cũng được định giá 200.000 euro. Trung vệ Igor Jelic của SLNA cũng được Transfermarkt định giá tới 300.000 euro.
Nhìn về xứ Nghệ
Với đội bóng xứ Nghệ ngoài Igor Jelic được định giá cao nhất thì tiếp theo là Văn Đức, Văn Khánh cũng được định giá tới 200.000 euro. Có vẻ như chấn thương, ít vào sân thi đấu đã khiến tuyển thủ quốc giá số 20 này bị rớt giá, trong khi Peter dù được định giá 250.000 euro nhưng hiệu quả thì kém xa.
Trung vệ Thái Bá Sang được xếp ngang với Xuân Mạnh, Bruno, thủ môn Văn Hoàng với giá 150.000 euro được coi là hợp lý. Bộ đôi tiền vệ Đặng Văn Lắm, Đình Châu có giá 100.000 euro sau mùa thứ 2 đá V.League là một tín hiệu mừng cho SLNA.
Hiện nay, ngoại trừ thủ môn Văn Hùng bị chấn thương dài ngày, nghỉ thi đấu và vài cầu thủ trẻ chưa ra sân tại V.League, các cầu thủ xứ Nghệ đều “lên sàn”. Đây là tín hiệu mừng cho SLNA bởi như thế, dù chưa thật chính xác nhưng đây cũng là kênh quan trọng để BHL, các cầu thủ tham khảo khi muốn tham gia chuyển nhượng.