Tuy nhiên, thành tích bết bát thời điểm hiện tại không bỗng dưng mà đến; đồng thời là một hệ quả xấu có tính hệ thống từ trước.
Tiềm lực
Trong 10 năm trở lại đây, thời kỳ vinh quang nhất của bóng đá xứ Nghệ đến từ giai đoạn HLV Hữu Thắng trở về từ Hà Nội T&T và dẫn dắt SLNA. Đó là thời điểm mà NH Bắc Á vừa vào cuộc đầu tư cho bóng đá với mức tài trợ lên đến 85 tỷ/1 mùa. Không chỉ sở hữu dàn nội binh hàng đầu V.League như Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh, Văn Bình..., SLNA còn có những ngoại binh đắt giá và đẳng cấp như Devon, Kavin, Edmund, Fagan và sau này là Hector, Dickson.
Sau thời điểm SLNA đoạt chức vô địch V.League 2011, HLV Hữu Thắng cũng không thể giữ nổi các cầu thủ có phong độ tốt, vì cơ chế cũ tồn tại bấy lâu nay.
Từ năm 2010, cứ 3 năm/lần, nhà tài trợ đặt bút ký để "rót tiền" cho đội bóng nhưng chỉ được 3 năm đầu tiên SLNA có 85 tỷ/năm, lần ký tiếp theo đội bóng chỉ được nhận 50 tỷ/năm và gần đây nhất họ chỉ nhận được 30 tỷ/năm, trước khi HLV Hữu Thắng dứt áo ra đi. Số tiền tài trợ giảm, tỷ lệ thuận với thành tích của đội bóng.
Trung bình một đội bóng tại V.League muốn duy trì cuộc chơi phải có nguồn ngân sách khoảng 60 tỷ/1 năm. Dù SLNA không mất tiền mua cầu thủ nội, sử dụng nguồn cầu thủ “cây nhà, lá vườn” thì đó thực sự là một số tiền quá ít, không đủ làm nên chuyện.
Khi ngoại binh là của nợ
Cũng giống như HLV Quang Trường, HLV Đức Thắng lên cầm quân với tiêu chí chỉ chiêu mộ 2 ngoại binh, nhưng cả hai cầu thủ ngoại đều thuộc diện trung, thậm chí kém so với mặt bằng chung tại V.League.
Trong gần 4 năm qua, SLNA chưa dám đặt bút ký với bất kỳ ngoại binh nào có mức lương chạm đến 10.000 USD/ tháng và lót tay vào khoảng 100.000 USD như thời kỳ thịnh vượng.
Mùa giải 2018, cầu thủ ngoại Olaha Michael thi đấu một cách sa sút với 2 bàn thắng sau 10 trận đấu. Trong khi Osmar Francisco có 1 bàn thắng, phần lớn cầu thủ này phải ngồi ngoài vì chấn thương và khi trở lại cũng bị đặt dấu hỏi về phong độ, bắt buộc BHL phải sử dụng cầu thủ trẻ Hồ Tuấn Tài.
Xét về chuyên môn, hai ngoại binh SLNA thực sự không đáp ứng yêu cầu.
Ám ảnh chấn thương
Sau 6 trận đấu tại vòng bảng AFC Cup, 3 trận đấu tại Cúp QG và 10 trận đấu tại V.League, các cầu thủ SLNA không chỉ bộc lộ điểm yếu về thể lực mà còn thay nhau gặp chấn thương. Kể từ đầu mùa, trung bình vòng đấu nào SLNA cũng gặp một ca chấn thương. Trong đó, thủ quân Trần Nguyên Mạnh nghỉ đến 6 tháng mới mong ngày trở lại, Osmar Francisco vắng bóng 2 tháng trong thời điểm SLNA gặp khó khăn nhất và tiền vệ đánh chặn Võ Ngọc Toàn cũng vậy.
Tổng cộng, có hơn 12 ca chấn thương đã xuất hiện khiến đội hình SLNA không có được sự ổn định và bị xáo trộn, đi kèm với lịch thi đấu và di chuyển quá dày đặc.
Thống kê cho thấy nếu tính cả thi đấu cho ĐTQG, những cầu thủ như Khắc Ngọc, Ngọc Hải, Xuân Mạnh, Văn Đức đều đã thi đấu từ 17- 20 trận trên mọi đấu trường. Mất sức và tâm lý sợ chấn thương, sợ thua là điều khó tránh khỏi.
Khoảng trống Nguyên Mạnh và Phi Sơn
Người ta vẫn cho rằng trong một đội bóng, thủ môn chiếm 50% sức mạnh nhưng SLNA đã không có được điều này vì vắng đi "người gác đền" tốt nhất của mình ngay khi V.League còn chưa khởi tranh.
Điểm tựa về tinh thần mất đi cũng là lúc các hậu vệ SLNA ít nhiều bị xao động vì trên sân cỏ, thủ môn chính là người chỉ huy hàng phòng ngự. Thủ môn Phan Đình Vũ Hải được mượn về từ Hải Phòng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, trong mùa giải 2017 SLNA thi đấu khá lên chân trong giai đoạn lượt về và đoạt Cúp QG nhờ vào vai trò của tiền vệ Trần Phi Sơn. Không có anh, SLNA mất đi một linh hồn trong lối chơi có khả năng gây đột biến và kéo dãn hàng phòng ngự đối phương tạo khoảng trống cho đồng đội.
Dù vẫn còn đó Phan Văn Đức, nhưng so với cầu thủ gốc Hà Tĩnh, cả Ngô Xuân Toàn và Lê Thế Cường đều không đủ sức lấp vào khoảng trống mà Phi Sơn để lại nơi vị trí tiền vệ cánh.
Sai sót cá nhân
Trong 12 bàn thua mà SLNA phải chịu tại V.League, có đến 4 tình huống ra vào không dứt khoát của thủ môn Phan Đình Vũ Hải.
Đa phần những bàn thua này đến từ những quả đánh đầu hoặc không chiến. Ngay ở trận thua gần nhất trước Hà Nội, khi tỷ số là 1-1 thì thế trận của SLNA bị vỡ vì một pha phá bóng hụt rất nghiệp dư của trung vệ Phạm Mạnh Hùng. Tuy nhiên, không sử dụng Mạnh Hùng thì BHL SLNA cũng không biết sử dụng cầu thủ nào ngoài Thế Nhật vì Văn Khánh gặp chấn thương, bất đắc dĩ phải ngồi ngoài.
Nhưng Văn Khánh cũng đang sa sút và có phong độ phập phù, anh là người mắc lỗi trong 2 bàn thua của SLNA xuất phát từ những pha phá bẫy việt vị bất thành.
Người chịu trách nhiệm đầu tiên cho thất bại này không ai khác ngoài HLV Đức Thắng, nhưng nếu cho rằng những sa sút đã qua phần lớn trách nhiệm đến từ HLV Đức Thắng thì không phải. Kinh nghiệm cầm quân là điều mà HLV Đức Thắng còn thiếu nhưng ít nhất trong băng ghế huấn luyện vẫn có một quân sư lão làng là HLV Nguyễn Văn Thịnh trong vai trò trợ lý.
Trong một góc nhìn toàn cảnh, bất kỳ một đội bóng nào cũng sẽ mất đi động lực chiến đấu nếu không đặt ra mục tiêu rõ ràng. SLNA là một trong số đó và những khủng hoảng ngày hôm nay đến từ nhiều nguyên nhân và đã được dự báo trước.
"Suốt 3 tháng qua, các cầu thủ SLNA phải thi đấu với mật độ dày đặc. Không đội bóng nào ở V.League có số trận đấu nhiều hơn các học trò HLV Đức Thắng. Lý do thứ hai chính là vấn nạn chấn thương. Điều đó khiến đội hình SLNA trở nên mỏng manh, "thiếu trước, hụt sau". Có lẽ, BHL đội bóng xứ Nghệ nên mạnh dạn, mạo hiểm xoay tua đội hình. Hãy để những trụ cột như Khắc Ngọc, Văn Đức, Xuân Mạnh...được nghỉ ngơi, bằng cách cho họ luân phiên ngồi dự bị. Tin rằng, với những tính toán của BHL, sự nỗ lực của các cầu thủ và sự ủng hộ mạnh mẽ của người hâm mộ xứ Nghệ, SLNA sẽ vượt qua những khó khăn đang bủa vây, đeo bám họ suốt thời gian qua.” – CĐV Lê Thanh Hưng.