Những ngày cuối năm, khi sinh viên các trường háo hức chuẩn bị vác ba lô bắt xe về quê ăn Tết, thì những em sinh viên trường Y lại lục tục dõi theo lịch trực Tết của năm nay. Là sinh viên trường Y, có lẽ ai cũng sẽ trải qua những cái Tết xa nhà và có những đêm Giao thừa cùng các bệnh nhân ở viện.
Sẵn sàng trực Tết
Chia sẻ tâm trạng của ngày đầu năm mới, cô sinh viên Y3 Trường Đại Học Y Hà Nội Nguyễn Thị Trang vui vẻ nói, đây là cái Tết đầu tiên em xa nhà không được đón Giao thừa cùng gia đình và năm nay bạn được phân trực ở Bệnh viện Bạch Mai đến ngày mùng 3 Tết.
Cô sinh viên nhỏ bẽn lẽn dốc bầu tâm sự: “Hôm nhìn thấy các bạn lục tục chuẩn bị đồ đạc về quê mà thấy nhớ nhà kinh khủng, em chỉ muốn về nhà để gói bánh cùng mẹ, rồi đi chúc Tết. Nhưng mấy ngày nay em cũng thấy quen dần vì còn các bạn cùng lớp ở lại chứ không phải chỉ có mình.”
Mặc dù đang là các cô cậu sinh viên, song với đặc thù của ngành học, các bạn sinh viên trường Y đều bắt đầu làm quen với công tác trực viện từ những năm đầu khi mới bước chân vào giảng đường đại học. Dẫu vậy, tâm lý trực viện của ngày thường khác hẳn với ngày Tết.
Nguyễn Sỹ Khánh, sinh viên Y4 Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, hầu hết sinh viên của trường từ khi bắt đầu học đến khi ra trường ai cũng phải trực Tết ít nhất một lần nên em cũng xác định tâm lý sẵn sàng trực khi có lịch phân công.
Tâm sự về cảnh ăn Tết xa nhà, Khánh nhoẻn miệng cười nói: “Ngày Tết ai cũng mong muốn được bên gia đình nhưng chính những trải nghiệm này sẽ là hành trang giúp cho chúng em vững bước trên con đường sự nghiệp tương lai. Được trực Tết, trực tiếp hướng dẫn chăm sóc cho các bệnh nhân mang đến nhiều sức khỏe cho nhiều người, đó là niềm vui mà không phải ai cũng có được.”
Đón Tết ở viện
Chia sẻ về không khí Tết ở viện, cô sinh viên Nguyễn Thị Trang cho biết, những bạn trực ca ngày thì trực từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, còn những bạn trực đêm sẽ trực từ 6 giờ chiều đến 8 giờ sáng của ngày hôm sau. Như vậy kíp trực đêm sẽ đón Giao thừa ở Viện.
Cười tít mắt, cô bác sỹ tương lai nói, trực viện đêm Giao thừa cũng nhiều thú vị lắm, đón nhận được nhiều tình cảm thật đặc biệt từ các bệnh nhân, các bác sỹ.
“Lúc đó, em cảm giác chẳng còn phân biệt ai là người bệnh, ai là bác sỹ nữa, tất cả đều như người thân trong một gia đình cùng gửi đến cho nhau những lời chúc mừng năm mới thật dồi dào sức khỏe. Không chỉ thế, chúng em còn được nhận những phong lì xì đỏ chót với lời chúc có nhiều may mắn trong năm mới của bệnh viện dành tặng,” Trang hồ hởi nói.
Nhắc đến những kỷ niệm của những ngày trực Tết ở viện, chàng sinh viên Y4 (Đại học Y Hà Nội) Nguyễn Sỹ Khánh chia sẻ dường như vào khoảnh khắc đó, mọi người đều hướng đến một mong ước sẽ không còn những ca bệnh phải nhập viện, mong cho mọi người sẽ có một cái Tết trọn vẹn ấm cúng và dồi dào sức khỏe bên những người thân yêu.
Khánh cho biết, năm nay, tổ của bạn nhận lịch trực ở Bệnh viện Nhi và đối với bạn chẳng còn gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy các thiên thần mới chào đời khỏe mạnh.
Bên cạnh những niềm vui đó, các bác sỹ tương lai cũng trải qua không ít khó khăn khi ăn Tết ở viện.
Bạn Nguyễn Văn Sơn, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, cho hay, trực ngày Tết tuy được nhiều người quan tâm và cảm xúc cũng thật đặc biệt, song những khó khăn gặp phải cũng không hề nhỏ.
“Ai trực ở viện Việt Đức sẽ khó tránh khỏi những ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, lúc đó cảm thấy như bị chùng lại mọi thứ. Tuy nhiên, đó cũng là những cảnh báo để tự nhắc người thân và dặn dò gia đình, vui chơi ngày Tết nhưng hãy chú ý đến sự an toàn, đừng để những điều thương tâm, đau xót không hay xảy ra,” Sơn thở dài cho biết.
Hay đơn giản là những khó khăn “rất sinh viên” như: “Bữa ăn ngày Tết đắt lắm, bình thường bát phở có 25.000 đồng/bát, vậy mà ngày Tết thì đắt gấp đôi, gấp ba, cơm bụi cũng thế,…” Sơn thành thật chia sẻ.
Và còn nhiều, rất nhiều những vui buồn của sinh viên trường Y trực Tết. Nhưng các bạn đều tin tưởng rằng, bệnh viện vừa là nơi làm việc, vừa là ngôi nhà lớn của mình. Do đó, sẽ còn nhiều, rất nhiều những người nguyện “quên Tết” để trực cùng bệnh nhân./.
Theo Vietnamplus