Năm 2012, các nhà thiên văn học đã phát hiện một điểm khói bốc lên từ bề mặt sao Hỏa. Trước thời điểm Mars One sắp công bố đoàn người lên sao Hỏa, điểm khói “lạ” đang được quan tâm trở lại nhưng vẫn chưa có lời giải đáp, theo tờ Time.
Theo các nhà thiên văn, chỉ trong 10 tuần trong khoảng tháng 3 và 4.2012, điểm khói được phát hiện, từ một đốm khói nhỏ lan rộng thành vệt khói lớn. Quy mô lan rộng của vệt khói trải dài 621 m theo chiều ngang lẫn chiều dọc, trang United Press International dẫn nguồn từ tạp chí Nature ngày 18.2 cho biết.
Theo những hình ảnh chụp từ hành tinh đỏ cũng như từ kính viễn vọng không gian Hubble, trước đây đã có những đám khói mờ xuất hiện trên bề mặt sao Hỏa. Chúng được hình thành từ bụi CO2 và các tinh thể nước. Tuy nhiên, các nhà thiên văn cho biết đám khói lạ vào năm 2012 hoàn toàn khác với những hiện tượng trước.
Theo đó, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Basque Country (Tây Ban Nha) đã cố gắng đi tìm lời giải cho đốm khói "lạ" trong những năm qua, theo tờ Time.
Tinh thể đá: Được hình thành từ nước hoặc khí CO2 . Tuy nhiên, giả thiết này đã vấp phải vấn đề về nhiệt độ. Khí quyển của tinh thể đá phải lạnh hơn rất nhiều lần so với nhiệt độ nơi đám khói được phát hiện. Hơn nữa, nếu tinh thể đá là nước thì độ ẩm ở bề mặt phải lớn hơn so với bề mặt của đám khói xuất hiện.
Bão bụi: Giả thuyết đám khói có thể là một cơn bão bụi khổng lồ đã không có cơ sở chắc chắn vì đám khói không lan rộng và di chuyển nhanh như những cơn bão bụi trước đây.
Cực quang: Hiện tượng quang học với ánh sáng nhiều màu trên bầu trời về đêm, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Các nhà khoa học cho rằng đám khói bí ẩn có thể đến từ nguồn năng lượng mặt trời. Nhưng thực tế, trên bề mặt sao Hỏa, nơi đám khói xuất hiện, nguồn ánh sáng mặt trời rất yếu.
“Tôi thực sự không lý giải được hiện tượng này. Tôi không hiểu vì sao có những vật thể tồn tại được trên sao Hỏa một thời gian dài”, ông Bruce Jakosky, trưởng bộ phận phụ trách nghiên cứu sao Hỏa của NASA cho biết.
Cách duy nhất để lý giải và tìm hiểu thêm về đám khói bí ẩn là chờ nó xuất hiện một lần nữa. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những cuộc nghiên cứu chi tiết, ông Jakosky và các cộng sự cho hay trên United Press International.
Tờ Time bình luận, lời giải về đám khói lạ sẽ như một phát hiện lớn lao của con người về hành tinh gần nhất với Trái Đất. Có hay không sự sống trên sao Hỏa, đó vẫn còn là một bí mật lớn.
Ngày 16.2, chương trình đưa người lên sao Hỏa của Tổ chức Mars One vừa công bố top 100 ứng viên cho hành trình chọn ra 24 người lên sao Hỏa “một đi không trở lại” vào năm 2024. Các thành viên sẽ trải qua 8 năm huấn luyện cho cuộc sống trên hành tinh đỏ, với điều kiện khí quyển chủ yếu là CO2 và nhiệt độ trung bình 63 độ C, theo The Washington Post.
Theo Thanh nien