Hiện nay có gần 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Đây là con số đáng báo động về tình trạng quá lãng phí nguồn nhân lực.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về cơ bản đã tổng kết, đánh giá kết quả đạt được việc thực hiện Nghị quyết Đại Hội XI và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm năm qua một cách thẳng thắn, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm và nêu được những đặc trưng, mục tiêu, phương hướng cơ bản, những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá giáo dục, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, quốc phòng an ninh… trong nhiệm kỳ năm năm tới.

Về lĩnh vực giáo dục, trong nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới nêu rõ: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.

“Nóng” tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp

Ông Trần Ngọc Tăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, ủy viên Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội nêu một thực tế hiện nay là số sinh viên ra trường không có việc làm ở mức báo động.

Tại một kỳ họp Quốc hội, nghị trường đã từng nóng lên vì 73.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường không có việc làm, nhưng sau đó Bộ LĐ - TBXH báo cáo là 173.000 sinh viên. Báo cáo gần đây, Chính phủ trình Quốc hội con số này là trên 200.000. “Nói như thế, việc làm là một trong những vấn đề sống còn trong phát triển của đất nước, đặc biệt lao động nhân lực cao. Cần quan tâm đến chất lượng giáo dục, thị trường lao động việc làm để giải quyết vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay”.

images1401205_ong_tang_shyw.jpgÔng Trần Ngọc Tăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, ủy viên Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội

Cùng nhận định này, bà Trần Thị Loan, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng cho rằng, việc thất nghiệp, không đủ việc làm nhất là đối với nhóm đối tượng là thanh niên, những sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm hiện nay rất phổ biến. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa tạo ra kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho người lao động, phần lớn người trẻ thất nghiệp không được đào tạo cho thị trường lao động, mặc dù hệ thống đào tạo và dạy nghề đã tương đối phát triển. “Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần nhấn mạnh việc nâng cao kiến thức chuyên sâu và tác phong công nghiệp trong đào tạo nghề cần phải phù hợp với nhu cầu của thực tiễn”.

Theo TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, Chi hội nữ trí thức trường Đại học Thương mại, dự thảo Văn kiện cần phải nêu rõ quan điểm về sự gắn kết giữa thị trường lao động với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo thành một chuỗi liên kết trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học -  công nghệ vào việc phát triển kinh tế -xã hội, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực của xã hội như hiện nay.

Xã hội hóa không có nghĩa là thương mại hóa

Bà Trần Thị Loan, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” là quan điểm đã được ghi nhận từ các kỳ đại hội đảng nhiệm kỳ trước. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ra Nghị quyết số 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vì vậy trong phần Nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới của dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII nên sửa thành: Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo…

Ngoài việc bình đẳng về hình thức giáo dục như đã nêu trong dự thảo “bảo đảm bình đẳng giữa giáo dục công lập vào giáo dục ngoài công lập”, bà Trần Thị Loan cho rằng, dự thảo nên bổ sung quan điểm: bảo đảm bình đẳng về cơ hội trong giáo dục, cụ thể là bảo đảm cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội có cơ hội học tập bình đẳng, có chính sách hỗ trợ trực tiếp đến đối tượng người học này như người khuyết tật, người nhiễm HIV… do năng lực hạn chế nên họ khó có khả năng tiếp cận các cơ hội học tập kiến thức văn hoá cũng như việc đào tạo nghề. Việc cụ thể hoá, thực thi quan điểm này sẽ góp phần bảo đảm quyền con người của họ.

Theo TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, việc “bảo đảm bình đẳng giữa giáo dục công lập vào giáo dục ngoài công lập” đối với các trường học phổ thông thì có thể gần đúng, nhưng với các loại trường Đại học thì hai loại trường này khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ, giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, về mục đích mở trường. Các trường công lập không có mục đích lợi nhuận nhưng các trường ngoài công lập không thể không khẳng định mục đích vì lợi nhuận, vì thế chất lượng đào tạo tất yếu sẽ có những điểm khác nhau.

Hiện có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Theo TS Nguyễn Thị Xuân Thảo cho rằng, cũng trong nhiệm vụ này có đưa ra nội dung “Thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển”. Xã hội hóa giáo dục là cần thiết để tăng cường nguồn lực trí tuệ, vật chất của các cơ sở giáo dục. Xã hội hóa không có nghĩa là thương mại hóa. Xã hội hóa bằng cách hợp tác, liên kết trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy những kiến thức thực tế hoặc bằng phương thức các doanh nghiệp đặt hàng về nghiên cứu khoa học cần thiết cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Hoặc ngược lại, các cơ sở giáo dục nghiên cứu  yêu cầu của doanh nghiệp trong  quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

“Tất nhiên ở đây phải có sự can thiệp của Nhà nước bằng các chính sách, quy định, quy chế để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Vì thế không nên đưa quan điểm giao trường công lập cho cộng đồng, doanh nghiệp quản lý cho dù đó là doanh nghiệp Nhà nước” -  TS Nguyễn Thị Xuân Thảo đề xuất.

Làm sao ngăn việc chảy máu chất xám?

Bà Loan cho rằng, đối với việc phát triển nguồn nhân lực, dự thảo Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, việc chảy máu chất xám vẫn là vấn đề được nêu ra và tranh luận tại các diễn đàn về giáo dục. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức. Đảng và nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài nâng cao trình độ nhưng lại chưa có một cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài trở về nước, phục vụ, cống hiến trí tuệ cho đất nước.

Ảnh minh họa.

“Chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang còn nhiều hạn chế do thiếu nhất quán, chưa đầy đủ, mạnh mẽ; hệ thống cơ chế, chính sách chưa phù phợp, thiết thực thiếu tính khả thi đối với từng đối tượng, lĩnh vực cần thu hút…” -  bà Loan nhấn mạnh.

ThS Tạ Phúc Đường, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam cũng đề xuất giải pháp để phát triển nhân lực chất lượng cao, trong đó cần phân bổ ngân sách thích đáng cho lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là đào tạo Đại học và sau đại học. Ngân sách là chưa đủ, việc quản lý sắp xếp và phương thức đào tạo cũng cần phải định hướng lại. Việc đào tạo tràn lan, không chú trọng tới chất lượng như hiện nay là một vấn nạn. Đào tạo nhân lực chất lượng cao nhưng lại không chú trọng tới chất lượng. “Cần thiết phải tạo ra chế độ đãi ngộ đối với người tài đi kèm với việc cải cách khâu đánh giá năng lực. Cần phải thay đổi chính sách lương bổng và cải thiện môi trường làm việc cho các nhà khoa học”./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN