(Baonghean) - Hiện nay, Nghệ An cũng như cả nước, số lượng người học lên bậc cao học  ngày càng nhiều, nhằm mục tiêu đáp ứng những yêu cầu mới về chất lượng nguồn nhân lực. Thế nhưng, việc đào tạo bậc học này vẫn còn nhiều bất cập cả ở cấp vĩ mô cũng như hạn chế của người học.

Mỗi năm ở Nghệ An có hàng trăm học viên bảo vệ thành công luận văn cao học ở nhiều trường khác nhau trong cả nước. Trong số ấy là những cán bộ nguồn của các cơ quan, đơn vị hành chính, trường học... học về là thăng tiến chính trị; một phần không nhỏ là những tân sinh viên mới ra trường chưa xin được việc làm, trong số đó là những sinh viên tại chức, tranh thủ đi học để thay bằng đổi cấp; một bộ phận có điều kiện đi học cho “yên tâm” (!); hay một trường học yêu cầu đi học để đảm bảo chỉ tiêu 30% cán bộ trên chuẩn, nhằm phấn đấu trường chuẩn quốc gia...
 
Ở một mức độ nào đó mà đánh giá, chắc các đối tượng trên “gặt hái”  không nhiều kiến thức chuyên môn để về cống hiến như kỳ vọng của xã hội. Còn nhiều những thạc sỹ đào tạo xong trở về công tác ở đơn vị mình không có sự thay đổi nhiều trong hiệu quả công việc; một mặt là do yêu cầu công việc không có gì thay đổi, một mặt là năng lực chuyên môn không có “bước nhảy” về chất.
 
images1397184_dsc_2941.jpgNhiều tập thể, cá nhân được nhận Sở Giáo dục Đào tạo, Công đoàn Ngành Giáo dục Nghệ An trao tặng giấy khen. Ảnh: Mỹ Hà
Trong đào tạo cao học hiện nay, trừ những lĩnh vực đặc biệt như y tế, khoa học, quân sự và một số ngành công nghệ cao... ở những trường có uy tín đào tạo (chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), thì việc tuyển sinh vẫn còn dễ dãi, không có sự cạnh tranh, loại trừ nhau, chủ yếu người dự thi và người trúng tuyển ngang bằng với chỉ tiêu, nhiều trường, nhiều ngành học chỉ cần nạp hồ sơ là trúng tuyển nên chất lượng đầu vào không cao.
 
Mặt khác các chính sách của Nhà nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đào tạo ở cấp học này. Chẳng hạn việc tuyển dụng công chức, viên chức không đánh giá cao bậc học cao học, điểm ưu tiên thấp hơn các loại ưu tiên khác nên rất nhiều cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp.
 
Theo số liệu hiện nay cả nước có hơn 70.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp; Nghệ An có khoảng 3.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Việc đào tạo với số lượng lớn mà xã hội không sử dụng dẫn đến lãng phí thời gian, tốn kém kinh phí gia đình, kinh phí Nhà nước do không tận dụng được kiến thức của người học.
 
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh -Ảnh minh họa.
Vậy nên, ở cấp vĩ mô cần xem xét lại chính sách đào tạo sau đại học để kết hợp đào tạo tốt, sử dụng tốt nguồn nhân lực này bằng cách: đào tạo sát với nhu cầu công việc, nhu cầu xã hội; có sự ưu tiên xác đáng đối với những người có trình độ sau đại học nói chung, cao học nói riêng nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thắt chặt hơn về số lượng người học, đơn vị được phép đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Các nhà lãnh đạo cũng không nên chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà quên đi chất lượng của nguồn nhân lực. Có vậy tấm bằng thạc sỹ mới thực sự có ý nghĩa, không lãng phí nguồn nhân lực được coi  thuộc tốp nhân lực chất lượng cao này.
 
Hữu Vinh
(TP. Vinh)