(Baonghean) - Nghỉ hè, nhiều sinh viên tranh thủ thời gian rỗi rãi đi làm thêm. Có bạn lựa chọn làm việc với mục đích kiếm tiền trang trải học phí - sinh hoạt, một số bạn khác thì đi làm với mục đích rèn luyện kỹ năng theo đúng chuyên ngành.

Như nhiều bạn sinh viên khác, hè năm nay, Ngô Xuân Phương - Sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng nghề số 4 quyết định không về quê mà ở lại thành phố Vinh làm thêm. Phương cho biết, bắt đầu từ năm nhất, em đã đi làm thêm ở quán cà phê với công việc phục vụ khách gọi đồ uống, lau dọn bàn ghế…

Trong năm học, do học vào buổi chiều nên Phương đăng ký làm thêm vào buổi sáng. Từ 5h45 Phương phải có mặt tại quán làm đến 11 giờ trưa thì kết thúc ca làm; bình quân, mỗi buổi Phương được trả 50.000 đồng. Hè này, ngoài làm phục vụ ở quán như trong năm học, buổi tối Phương còn tranh thủ đi làm bảo vệ giữ xe cho một quán ăn. Công việc bắt đầu từ 16 giờ cho đến 23 giờ đêm và Phương chỉ cần trông, giữ xe cho khách đến quán. 

1497953087758.jpgTrịnh Hữu Thắng (trái) đang được một thành viên trong đội truyền thông hướng dẫn kỹ năng quay phim sự kiện. Ảnh: Chu Thanh

Lựa chọn một công việc nhẹ nhàng hơn, Nguyễn Thị Tuyết - sinh viên năm nhất Trường Đại học Vinh lựa chọn làm việc tại cửa hàng bán quần áo cho giới trẻ. Tuyết kể, công việc hàng ngày của em khá đơn giản là tư vấn cho khách và trông coi, quét dọn cửa hàng.

Tuyết chọn làm ca sáng từ 8 giờ đến 12 giờ với mức lương 1.300.000 đồng/1 ca/1 tháng chưa kể doanh thu bán hàng. Theo Tuyết, việc bán hàng khá nhàn, ngoài những lúc có khách, thời gian còn lại em thường lướt facebook, xem phim hoặc đọc sách.

Hiện đang là sinh viên năm cuối khoa báo chí Trường ĐH Vinh, Trịnh Hữu Thắng cũng lựa chọn đi làm thêm cho 1 đội truyền thông quảng cáo. Thắng cho biết, trước đây em từng đi làm thêm ở quán cà phê, làm phục vụ bàn nhưng năm nay em quyết định xin vào làm về truyền thông quảng cáo.

“Mặc dù mức lương không cao, thậm chí có thể nói là chỉ đủ tiền xăng xe nhưng em vẫn muốn làm. Bởi đây là công việc có liên quan thực tế đến môn học mà em theo học ở trường. Tuy thời gian bắt đầu rất vất vả do phải học lại nhiều thứ nhưng em tin rằng sau một thời gian nữa, em sẽ học được nhiều kỹ năng có ích khi ra trường”, Thắng chia sẻ.

Ngô Xuân Phương phục vụ nước cho khách trong ca làm việc. Ảnh: Chu Thanh

Không chọn đi làm thuê, Lê Nguyễn Ngọc Anh và Phạm Anh Thư - sinh viên năm 3 Trường Đại học Vinh bán đồ ăn uống online. Vốn khéo tay và từng đi làm thêm ở quán nước dành cho giới trẻ nên Ngọc Anh và Anh Thư hùn vốn mua nguyên vật liệu, lập hẳn một quán bán hàng trên Facebook. Các món ăn chủ yếu là các loại nước uống giải khát mùa hè và các thức ăn vặt cho giới trẻ.

Do chưa có kinh nghiệm, chưa được nhiều người biết đến nên thời gian đầu việc kinh doanh của quán khá khó khăn. Tuy nhiên, cả hai bạn vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Ngọc Anh cho biết: “Không chỉ đơn giản là kinh doanh kiếm tiền vào mùa hè, em và Thư dự định duy trì thương hiệu của quán. Đến khi cả 2 có một lượng vốn và có một lượng khách nhất định, chúng em dự định mở quán kinh doanh”.

Các công việc làm thêm dịp hè đã và đang hút sinh viên. Thông thường các bạn sinh viên ở Nghệ An đều lựa chọn các công việc phổ thông như làm bán thời gian ở quán ăn, quán cà phê, trông xe, bán quần áo, ship hàng… Đây là điều không khó hiểu bởi những công việc như trên không đòi hỏi nhiều kỹ năng, cho thu nhập đáp ứng được nhu cầu trước mắt của sinh viên.

Thời gian gần đây, một bộ phận các bạn sinh viên xứ Nghệ bắt đầu có cái nhìn dài hơi hơn trong việc làm thêm hè. Các bạn không chỉ đơn giản lựa chọn những công việc bán thời gian mà còn thử thách bản thân với những công việc đòi hỏi thời gian rèn luyện như tư vấn, kinh doanh…

Trong khoảng thời gian đầu, những bạn này sẵn sàng chấp nhận mức lương ít, không ổn định, cả những áp lực không nhỏ từ công việc mang lại. Theo các bạn này, chỉ cần kiên trì cho đến khi thích nghi được với công việc, nó sẽ rất có lợi cho công việc sau này, nhất là khi làm theo đúng ngành đang học.

Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN