Những bước chuyển mạnh mẽ
Tại xã Nghĩa Dũng, trước đây một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa chấp hành nghiêm nội quy, quy chế, còn vi phạm giờ giấc lao động… Năm 2016, khi có đoàn kiểm tra đột xuất của Phòng Nội vụ huyện, 1/3 cán bộ đã vắng mặt trong giờ hành chính. Tất cả đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị. Kiểm điểm sâu sắc 27 biểu hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), toàn Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã nhận diện biểu hiện “Thiếu sâu sát với cơ sở”.
Sự việc tại Chi bộ xóm Gia Đề cũng là một bài học đối với xã. Do không bám sát, không làm tốt chủ trương tuyên truyền, vận động, nên dẫn đến tình trạng người dân đi kiện vượt cấp. Thậm chí, chi bộ còn bị cô lập, các đoàn thể chính trị, xã hội cũng tan rã. Ví như Chi hội phụ nữ xóm Gia Đề từ 90 hội viên sinh hoạt, tại thời điểm đó chỉ có “trụ lại” 2 hội viên.
Nhằm “xốc” lại kỷ luật, kỷ cương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Nguyễn Thị An cho biết, địa phương tập trung xây dựng “Điểm sáng về xây dựng chính quyền”. Cấp ủy và chính quyền ở Nghĩa Dũng chỉ đạo thực hiện “những việc cần làm ngay” như chấm dứt tình trạng đi muộn, về sớm, không uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, xử lý nghiêm cán bộ, công chức sai phạm, không để tình trạng kéo dài. Từng bộ phận, từng cán bộ phải xây dựng bản kế hoạch làm việc cụ thể, công khai, chi tiết hóa quy trình giải quyết công việc.
"Hàng tuần, hàng tháng, khối lượng công việc được niêm yết rõ ràng, giúp mỗi cán bộ, công chức bám sát, có trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ, đẩy lùi thói tùy tiện, thiếu kế hoạch. Bên cạnh nhiệm vụ tiếp dân tại trụ sở, mỗi cán bộ, công chức xã phải đề ra ngày bám sát cơ sở".
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Thị An cho biết, trong năm 2018, Đảng ủy xã đã củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện tại xóm Gia Đề, tổ chức đối thoại với người dân, kiện toàn lại chi bộ. Chi bộ Gia Đề từ không hoàn thành nhiệm vụ trở thành hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, một số chi bộ khác cũng được tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện như các xóm Đồng Thờ, Dương Lễ, Đồng Kho.
Còn tại Công an huyện Tân Kỳ, xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, từ đầu năm 2018, đơn vị đã không ngừng cải cách tổ chức bộ máy, nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp hay trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian cho người dân. Với việc cụ thể hóa bằng mô hình “Kỷ cương, trách nhiệm – Đẩy mạnh cải cách hành chính – Vì dân phục vụ”, những cách làm mới nổi bật trong các lĩnh vực như cấp giấy chứng minh nhân dân; đăng ký, quản lý ngành, nghề có điều kiện; đăng ký, quản lý cư trú; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự…
Nhằm tạo không gian thuận lợi, thoải mái cho người dân khi đến làm thủ tục, Công an huyện đã đầu tư xây dựng lại trụ sở “Bộ phận một cửa” khang trang, rộng rãi; tổ chức niêm yết công khai các TTHC, trang trí khánh tiết, lắp đặt camera giám sát, hệ thống bấm số thứ tự tự động, hệ thống đánh giá 5 mức độ hài lòng (Rất hài lòng - Hài lòng - Không hài lòng vì thái độ phục vụ - Không hài lòng vì nghiệp vụ kém - Không hài lòng vì chờ đợi lâu - Không hài lòng vì phục vụ phức tạp).
Điều đáng nghi nhận, Công an huyện đã chủ động thay đổi lịch tiếp công dân. Thiếu tá Lê Văn Tuấn - Bí thư Chi bộ Quản lý hành chính về trật tự xã hội chia sẻ: Nếu như trước đây Bộ phận một cửa làm việc 3 ngày/tuần thì nay lịch làm việc từ thứ Hai đến thứ Bảy, để hướng dẫn cấp, trả kết quả các TTHC cho công dân theo quy định. Tất cả với phương châm “Chưa hết việc, chưa hết giờ”.
"Đặc biệt, đơn vị còn bố trí cán bộ tiếp dân vào đầu giờ sáng và chiều để hướng dẫn người dân các TTHC, thậm chí kể cả ngày Chủ nhật cũng có người trực để tiếp những công dân ở các xã vùng sâu, vùng xa".
Lựa chọn khâu đột phá
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huyện Tân Kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, Tân Kỳ vẫn là huyện phát triển chậm, chưa đáp ứng với yêu cầu chung của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa; trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao.
Từ thực tiễn đó, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 78 - KH/HU về thực hiện một số biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cái được của Kế hoạch 78 là sự kết hợp nhuần nhuyễn việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng “một đầu mối - một việc” xuyên suốt. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy trình giải quyết công việc bảo đảm sự đồng bộ, thông suốt theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”.
Huyện còn thành lập tổ công tác đặc biệt tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện né tránh hay lơ là trong thi hành nhiệm vụ.
Để có thể thu thập được nhiều thông tin đa chiều từ phía người dân, Huyện ủy Tân Kỳ đã công khai toàn bộ danh sách và số điện thoại các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thủ trưởng cơ quan Công an và Ban Chỉ huy Quân sự huyện tại 269 khối, xóm, bản. Công tác đánh giá cán bộ được huyện thực hiện thông qua “3 kênh” gồm: người dân, doanh nghiệp và từ cán bộ cấp dưới đối với cấp trên. Đặc biệt, thông tin về các cán bộ, đảng viên bị kỷ luật và các hình thức kỷ luật đều được Huyện ủy công khai là cách để răn đe, uốn nắn thật sự.
“Việc xây dựng kế hoạch cá nhân cần lựa chọn những công việc làm theo phù hợp vị trí công tác, chức vụ càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng phải chú trọng, đặc biệt là người đứng đầu; chú trọng đi sâu, đi sát cơ sở để giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân”.