(Baonghean) - Tiếng cô bé hàng xóm trình bày trong nức nở xen lẫn tiếng phàn nàn như dằn dỗi của người mẹ vang khắp ngõ nhỏ “Lại xin tiền, nộp tiền. Tuần nào, tháng nào cũng nộp tiền. Tiền gì mà lắm thế. Sao nhà trường không thu một lần đi cho gọn mà cứ rải ra như chơi phường vậy không biết?”.
 
Không biết, chắc chắn là chị không đủ “trình” để biết được vì sao nhà trường lại cứ rải ra như thế. Bởi lẽ, chuyện lạm thu trong ngành Giáo dục đã trở thành một vấn nạn, đã và đang phải hứng chịu nhiều “búa, rìu” của dư luận. Nhưng thà hứng chịu “búa, rìu” còn hơn là cắt giảm vì “tiêu quen tay” rồi. Tiền đang vào như nước, tự nhiên “bị chặn dòng” thì khó chịu lắm. Cho nên phải có cách để “tản lực” đi, làm loãng sự bức bối của phụ huynh cũng như của dư luận. Và thế là người ta không thu một cục như ngày trước nữa mà chia đều ra các tháng, các tuần trong năm. Lúc khoản này, lúc khoản nọ, không quá nhiều mà vừa đủ để phụ huynh chặc lưỡi cho qua theo kiểu “Nộp cho xong chơ có đáng chi mô!”.  Thế là “Nhiều nhỏ góp lại thành to/ Nghìn bông thóc vãi được kho thóc vàng”. Cộng gộp lại cả năm thì “nguồn thu vẫn ổn định”, thậm chí là còn có sự gia tăng. Thế là “ba đấm cũng bằng một đạp”. Chuyện lạm thu vẫn tiếp tục phát triển mà ít bị kêu ca, phàn nàn như trước. Tới kỳ họp, mấy “ông, bà Hội đồng” có đem chuyện ra hỏi ngành Giáo dục thì cũng … “ chuyện mô lại vô đó” thôi. Hơi khó coi một chút, nhưng mà dễ chịu.
 
 
Nói đến đây, lại nhớ ngày xưa đi đội cát thuê từ dưới bãi đổ lên xe công nông. Mấy thanh niên choai choai cậy sức khỏe, đội một lúc cho nhiều, được vài lượt là hơi ra lỗ tai, đành phải ngồi nghỉ. Còn những người nhiều kinh nghiệm thì cứ đội ít một, nhưng đi đều đặn, không nghỉ ngơi. Đến cuối buổi cộng lại, tiền công được cao hơn vì đội được nhiều cát hơn. Mới vỡ lẽ ra là: siêng đi hơn nặng đội!
 
Chuyện lạm thu trong trường học bây giờ, hình như đang biến tướng theo chiều hướng đó!
 
Người lắm chuyện