(Baonghean) - Sau quá trình điều tra và xét xử kéo dài, cuối cùng, Tòa Công lý của Pháp đã xác định Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde mắc tội “tắc trách” trong thời gian bà là Bộ trưởng Tài chính Pháp.

Điều đáng nói là dù bị kết tội, song bà Lagarde không phải chịu hình phạt nào. “Lối thoát hiểm” này có giúp bà giữ vững ngôi vị người phụ nữ quyền lực nắm giữ “túi tiền” của thế giới? 

Lỗi lầm quá khứ

Thực ra, việc bà Lagarde dính dáng đến luật pháp trong một vụ án kéo dài hàng thập kỷ đã được biết đến từ khi bà được bầu làm Tổng Giám đốc IMF vào tháng 6/2011, thay thế ông Dominique Strauss-Kahn. Chuyện xảy ra khi bà Lagarde còn là Bộ trưởng Tài chính Pháp và được lệnh giám sát việc phân xử một vụ án mang tính chất chính trị.

Vụ án này bắt nguồn từ những năm 1990, khi ông trùm kinh doanh Bernard Tapie - bạn thân của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và là cổ đông chính của Công ty đồ thể thao Adidas, nộp đơn kiện Ngân hàng quốc doanh Pháp Credit Lyonnais vì cho rằng ngân hàng này đã cố tình dìm giá khi ông phải bán công ty.

Đến năm 2007, vụ kiện kéo dài được gửi tới Ủy ban trọng tài của bà Lagarde. Ủy ban trọng tài gồm 3 thành viên đã quyết định bồi thường 417 triệu USD cho ông Taipei vào năm 2008. Quyết định này được cho là có xung đột lợi ích công - tư và gây ra những phản ứng trong dư luận.

images1780702_bna_585bbec631f4a.jpgTổng Giám đốc IMF Lagarde có mặt trong một phiên tòa ở Pháp. Ảnh Bloomberg

Không lâu sau đó, các cố vấn của bà Lagarde đã khuyên bà kháng nghị quyết định của Ủy ban trọng tài nhưng bà đã không làm theo, do đó, dư luận bắt đầu “soi” về vai trò của bà trong vụ bồi thường.

Qua nhiều vòng điều tra và xét xử, ngày 19/12, Tòa Công lý của Pháp đã kết luận, bà Christine Lagarde mắc tội “tắc trách”, song bà sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào. Về phần mình, từ đầu chí cuối, Lagarde biện hộ rằng bà luôn hành động một cách có thiện chí và không hề tư lợi.

Có tội nhưng không phải trả giá

Trước đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu bị kết tội thì bà Lagarde sẽ phải ngồi tù ít nhất 1 năm và phải nộp một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, có thể hiểu được mục đích trong quyết định của tòa. Bởi nếu bị kết án tù, bà Lagarde sẽ phải từ bỏ chiếc ghế quyền lực trong IMF.

Tất nhiên, đây không chỉ là “vết đen” với cá nhân bà Lagarde mà với cả hình ảnh nước Pháp. Còn nếu không phân xử đến cùng sẽ không thể làm hài lòng dư luận.

Kể từ khi lộ bằng chứng cho thấy bà Lagarde dính líu đến vụ án bồi thường tỷ phú Tapie, công chúng Pháp đã tỏ ra bất bình về hiện tượng tham nhũng trong lãnh đạo cấp cao, họ đòi hỏi phải đưa ra ánh sáng những mối quan hệ mật thiết giữa chính trị gia và các doanh nhân, và các khoản tiền lớn để “bôi trơn” bánh xe chính trị.

Vì thế, cách xử lý theo kiểu “có tội nhưng không phải trả giá” có thể giải quyết tình thế khó xử mà giới hành pháp và tư pháp gặp phải. Giải thích cho tính chính đáng của bản án, theo thẩm phán Martine Ract Madoux, họ “đã lưu ý tới bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu khi bà Lagarde gặp rắc rối”.

Ngoài ra, danh tiếng tốt và vị thế quốc tế của bà Lagarde cũng là một trong những lý do. Thế nhưng, phán quyết có tội cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu “chiếc ghế” của Lagarde tại IMF có bị lung lay.

Thực tế, ban quản trị của quỹ này, vốn luôn ủng hộ bà Lagarde trong suốt vụ việc, đã có cuộc họp bàn sau phán quyết và họ “tái khẳng định sự tin tưởng hoàn toàn” vào khả năng của bà.

Điều này cho thấy, IMF không muốn để xảy ra một cuộc khủng hoảng về nhân sự như 5 năm về trước và như vậy, bà Lagarde có thể đã “thoát hiểm”!

Bản lĩnh “bông hồng thép”

Luôn xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài thanh lịch và “thời trang”, bà mặc trang phục của những nhà thiết kế Pháp, quần áo của Chanel, khăn quàng cổ Hermès với vòng tay xinh xắn và áo choàng có lông lót. Song đó không phải là những điểm cuốn hút nhất của “sếp” IMF.

Bà gây được thiện cảm với mọi người nhờ tài hùng biện, khả năng xử lý mọi vấn đề được đưa ra dù là hóc búa nhất và những nỗ lực không mệt mỏi trong công việc. Bà từng nói với một tờ báo Pháp rằng: “Thành công là không bao giờ dừng lại. Đây là một cuộc chiến đấu vô tận. Mỗi buổi sáng, người ta phải đặt năng lực của mình ra để kiểm tra lại một lần nữa”.

Lagarde từng bật mí, ngoài sở thích kiểm soát tài chính, bà rất yêu thích hoa hồng. Vì thế, bà từng được ví là “bông hồng thép”. Năm 2011, bà trúng cử chức vụ người đứng đầu IMF và trở thành nữ Tổng Giám đốc IMF đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm của tổ chức này. 

Lagarde luôn được chào đón ở những hội nghị tài chính quan trọng. Ảnh Reuters

Về khách quan, giờ là thời điểm IMF rất cần một người lãnh đạo đủ nhanh nhạy và cương quyết như bà Lagarde. Sau phán quyết của Tòa án Pháp, tờ Thời báo tài chính (Anh) nhận định, “IMF không thể để mất Lagarde”, việc xét xử bà chỉ đơn thuần là cách “nắn gân” các chính trị gia Pháp trong tương lai mà thôi.

Thực tế kể từ khi nhậm chức, bà Lagarde đã có nhiều đóng góp cho tổ chức tài chính lớn này. Bà có vai trò then chốt trong những vụ IMF giải cứu những đất nước trên bờ vực sụp đổ như Hy Lạp và Ukraine. Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew gọi Lagarde là một “nhà lãnh đạo mạnh mẽ”, và “tin tưởng vào khả năng của bà trong việc lãnh đạo IMF vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Hiện giờ, IMF đang đứng trước nhiều thách thức khi làn sóng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng cao. Làm sao để phát huy những lợi ích của thương mại và toàn cầu hóa, cũng như áp dụng các chính sách chống bất bình đẳng là bài toán đau đầu với những người đang nắm giữ các “rổ tiền” quốc tế.

Thêm vào đó, việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cũng đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tương lai của các tổ chức tài chính quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, IMF không thể để mất người lãnh đạo được nhận định là có “khả năng giải quyết xung đột” và “có tầm ảnh hưởng tới nhiều quốc gia” như bà Lagarde. 

Thanh Huyền 

TIN LIÊN QUAN