Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng thương mại mập mờ thông tin.

Gần đến thời điểm giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhiều người mua nhà mới biết đến quy định sau ngày 1/6 tới đây, các khoản giải ngân từ phía ngân hàng sẽ không còn được hưởng mức lãi suất ưu đãi là 5%. Bên cạnh sự hoang mang, lo lắng về áp lực tài chính nếu phải chịu mức lãi suất thương mại có thể lên đến hơn 10%,  nhiều người thu nhập thấp còn rất bức xúc khi trong hợp đồng tín dụng của mình, ngân hàng không đưa ra các thông tin, điều khoản rõ ràng, cụ thể về quy định này. Trước thực tế trên, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng thương mại mập mờ thông tin.

images1480274_vay_mua_nha_xvtw_dduf.jpgẢnh minh họa

Cuối năm ngoái, chị Đoàn Thị Huế ở Cầu Giấy, Hà Nội đã vay số tiền 700 triệu từ gói 30 nghìn tỷ đồng để mua căn hộ tại một dự án ở An Khánh, huyện Hoài Đức. Đến thời điểm này, ngân hàng SHB mới giải ngân được 400 triệu đồng, theo tiến độ, ngân hàng sẽ giải ngân 300 triệu đồng còn lại sau ngày 1/6/2016. Chị Huế cho biết, trong hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng, không có thông tin nào nói đến việc mức lãi suất ưu đãi 5% chỉ áp dụng với các khoản giải ngân trước ngày 1/6/2016 - khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng kết thúc.

“Trong hợp đồng tín dụng ngân hàng chỉ đưa ra một điều khoản là trước 2030 thì lãi suất sẽ ưu đãi là 5%, còn từ 2030 trở đi sẽ áp dụng theo điều chỉnh của ngân hàng thương mại. Nghĩa là không có thông tin nào cụ thể ở trong hợp đồng nói là sau 1/6/2016 thì các khoản giải ngân sẽ chịu lãi suất thương mại. Tôi thấy khi gói này đi vào thực tiễn không có các điều khoản cụ thể và các nhấn mạnh để cho người dân xác định được phương hướng", chị Huế nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hiếu Nhi ở Hoàng Mai, Hà Nội lại khá yên tâm vì trong hợp đồng tín dụng của chị ký kết với ngân hàng BIDV có câu: “Kể từ ngày 1/1/2016 cho đến khi tất toán khoản vay, áp dụng lãi suất theo thông báo của BIDV trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ, nhưng không vượt quá 6%/ năm”. Tuy nhiên, khi chị Nhi cẩn thận hỏi lại người quản lý hợp đồng ở ngân hàng BIDV, thì lại bất ngờ được biết, các khoản giải ngân sau 1/6 hiện vẫn chưa có hướng dẫn. Còn mức lãi suất không vượt quá 6% chỉ áp dụng cho các khoản giải ngân trước 1/6/2016.

Chị Nhi bày tỏ lo lắng: “Khi tôi đọc hợp đồng thì thấy ngân hàng ghi là cho vay với lãi suất không quá 6%/ năm, không hề có thông tin giải ngân trước hay là sau 1/6, khiến tôi hiểu nhầm. Tôi có liên hệ với nhân viên của ngân hàng thì được thông báo là với những phần giải ngân sau ngày 1/6/2016 thì chưa có hướng dẫn về lãi suất. Điều đấy khiến tôi rất hoang mang vì có thể là những phần giải ngân sau 1/6 sẽ chịu lãi suất thương mại từ 10-12%. Lãi suất như thế thì quá là lớn so với những người thu nhập thấp như tôi”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trong trường hợp này, nhiều người mua nhà sẽ là nạn nhân vì phía ngân hàng không ghi rõ các thông tin về lãi suất cho vay sau ngày 1/6/2016. Do đó, Nhà nước cần có giải pháp gỡ khó cho người dân, để những người đã được ngân hàng cam kết cho vay tiền sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết số tiền được vay.

Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Bây giờ cần phải thay đổi, không phải là dừng giải ngân mà cần phải tính theo hợp đồng. Nếu như nhà nước đã cho phép người dân tham gia gói này thì người ta đã ký hợp đồng, đã cam kết rồi thì phải thực hiện hết. Khống chế 30 nghìn tỷ là theo cam kết, theo hợp đồng tín dụng chứ không thể theo giải ngân thực tế. Còn trên thực tế mà không quản được thì là lỗi của các cơ quan chức năng".

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lý giải, ngay từ khi có gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đã nói rất rõ và yêu cầu các ngân hàng thương mại thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về thời điểm kết thúc là 1/6/2016. Đến thời điểm này, việc giải ngân đã đạt trên 20 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến 1-6, dự kiến gói 30 nghìn tỷ sẽ giải ngân đạt mục tiêu đề ra. Các hợp đồng đã giải ngân trước 1-6-2016 sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho đến hết thời hạn của chương trình, tức là tối đa hết năm 2031.

Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, sau 1-6, mặc dù gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, nhưng người thu nhập thấp vẫn sẽ được hỗ trợ vay tiền với mức lãi suất ưu đãi để cải thiện chỗ ở, điều kiện sinh hoạt.

“Đối với các trường hợp các ngân hàng thương mại ký kết với chủ đầu tư và người dân mà trong hợp đồng tín dụng không nói rõ quy định về gói này thì tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo và chúng tôi sẽ kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp. Tới đây khi kết thúc gói 30 nghìn tỷ vào thời điểm 1-6 thì các ngân hàng thương mại cũng như ngân hàng chính sách xã hội sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ, người thu nhập thấp sẽ tiếp tục được vay với lãi suất ưu đãi bằng hoặc thấp hơn lãi suất của gói 30 nghìn tỷ đồng”, ông Đông nói.

Rõ ràng, nếu như các ngân hàng thương mại cố tình mập mờ, không cụ thể hóa quy định của gói 30 nghìn tỷ đồng trong các hợp đồng tín dụng với người mua nhà là không đúng và cần có biện pháp xử lý. Điều đó cũng cho thấy là suốt gần 3 năm triển khai gói tín dụng ưu đãi này, sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các hợp đồng cho vay của ngân hàng thương mại là không thường xuyên và thiếu chặt chẽ. Trong khi thời gian của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, thì điều mà hàng nghìn người dân mong đợi lúc này là Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra giải pháp rõ ràng để sau 1/6 tới, người thu nhập thấp vẫn tiếp tục có cơ hội mua nhà với lãi suất ưu đãi./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN