Tại Nghệ An có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo cấp huyện cùng các đồng chí báo cáo viên với 221 điểm cầu, 3.690 đại biểu.
Các điểm nhấn, điểm mới của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII
Thông báo tại hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn cho biết, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có nhiều đổi mới, đó là gửi các tài liệu theo quy định, quy chế cho các đại biểu nghiên cứu trước nên các báo cáo, tờ trình không đọc tại hội nghị mà dành thời gian để thảo luận các vấn đề tại hội nghị. Do đó, sau khai mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội nghị đã chia tổ thảo luận.
Hội nghị đã bàn, cho ý kiến về 5 nội dung: báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 20222; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; về việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua; quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quy định về những điều đảng viên không được làm. Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5.
Sau khi đánh giá tình hình chung 3 tháng còn lại của năm 2021, Trung ương quyết liệt chỉ đạo về tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bổ sung hoàn thiện các thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các điểm nghẽn về kinh tế; Tập trung đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nhất là người đứng đầu để phát triển...
Hội nghị cũng tập trung bàn về 2 quan điểm chính trong 4 quan điểm đã nêu tại Hội nghị Trung ương 4. Đó là công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng.
Trung ương cũng đã kiểm điểm rất sâu sắc về những hạn chế, khó khăn đã và sẽ gặp phải. Trong đó, dự kiến 4/12 mục tiêu sẽ không đạt do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, nhất là quý III. Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn một số khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Một số loại tội phạm vẫn tiềm ẩn phức tạp.
Ban Chấp hành Trung ương xác định 6 nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp trong 3 tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Mục tiêu là phòng chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để sớm mở cửa trở lại phát triển kinh tế - xã hội. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính thích ứng...
Hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra. Đồng thời, bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Nội dung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên cần được cập nhật, bổ sung đầy đủ, sâu sắc hơn nữa những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra, gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên, nhìn chung việc đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái đạo đức lối sống, diễn biến tư tưởng… có kết quả rõ nét, hiệu quả hơn so với khóa trước.
Nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên được nâng lên, đoàn kết thống nhất được tăng cường hơn. Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới công tác cán bộ, đẩy mạnh kiểm tra giám sát. Đã thi hành kỷ luật 87.212 đảng viên, trong đó 113 cán bộ diện Trung ương quản lý diện đương chức và đã nghỉ hưu.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng đạo đức được chú trọng; việc học tập theo Bác ngày càng đi vào thực chất. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tăng cường. Khẳng định vai trò của Đảng và nâng cao năng lực chiến đấu, cầm quyền của Đảng.
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại như một số cấp ủy, người đứng đầu chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa nghiêm. Một bộ phận quản lý chưa nhận thức đầy đủ, chưa gương mẫu thực hiện nghị quyết. Còn có cán bộ, đảng viên lúng túng trong thực hiện, còn né tránh, mơ hồ, có lời nói việc làm biểu hiện "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa"…Trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa tốt. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở một số nơi.
Hội nghị cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục triệt để, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa với 6 nhiệm vụ, giải pháp.
Định hướng một số nội dung tuyên truyền
Đồng chí Lại Xuân Môn cho biết, sẽ mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong học tập triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Trong đó, tăng tuyên truyền các nội dung bài phát biểu khai mạc, bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những thông tin về kết quả, những nội dung mới có tính đột phá của hội nghị Trung ương 4 khóa XIII.
Tăng cường tuyên truyền để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; chú trọng việc nêu gương và "làm theo" Bác bằng việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội...