Đây là một trong những nội dung tại chuyên đề: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII do đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương quán triệt tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vào chiều 27/3.
Sau khi truyền đạt những nội dung tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nhấn mạnh các phương hướng công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, đặc biệt là 10 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, gồm: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên.
Đề cập đến nhóm nhiệm vụ thứ sáu là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Bên cạnh đó là đổi mới mạnh mẽ cơ chế phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài và cơ chế đánh giá cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng "đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp".
Nghệ An: Gần 30.000 cán bộ, đảng viên học tập trực tuyến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này là đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, theo đó cần xây dựng và hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất và kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đặc biệt cần coi trọng công tác tự kiểm tra.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ thứ tám trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ này là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng.
Muốn vậy, phải tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân", đồng thời tiếp tục cụ thể hóa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng khẳng định, trong nhiệm kỳ này, Đảng tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, đặc biệt là thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Cùng với việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, trong nhiệm kỳ này, Đảng xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá.
Trong đó, ba giải pháp đột phá gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ; Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.