(Baonghean) - Mô hình "Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới" được thí điểm tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu từ năm 2013. Sau 3 năm thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp những người kém may mắn có một điểm tựa để chia sẻ, chở che...
Không cần đến sổ sách, không cần phải lục tìm hồ sơ nhưng anh Nguyễn Huy Thân, Phó trưởng Công an xã Sơn Hải có thể đọc vanh vách tên của gần 170 lao động trong xã đang làm việc bất hợp pháp ở Trung Quốc, trong đó hơn 70% là nữ. Anh cũng có thể kể rõ ràng từng câu chuyện xung quanh những số phận không may mắn này khi lưu lạc xứ người. Đó là chị L. T. M, bị bán sang Trung Quốc từ những năm 1994. Sau gần 20 năm lưu lạc ở xứ người, gần 40 tuổi mới có cơ hội trở lại thăm nhà. Là câu chuyện khốn khổ của gia đình chị Đ.T.T, chỉ vì con bị bán sang xứ người mà ở nhà bố chị uất ức rồi tự vẫn; là câu chuyện cảm động của chị M. L, lưu lạc ở đất khách quê người hơn 15 năm, nay mẹ bị ung thư giai đoạn cuối mới trốn được gia đình chồng để về chăm mẹ...
Những câu chuyện buồn và rất nhiều những bất trắc có thể xảy ra khi đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ đã thực sự là xáo động vùng quê vốn rất bình yên này. Rất dễ gặp ánh mắt của những người mẹ thấp thỏm, trông chờ; có sự bất an không nói thành lời của người cha vì không biết con đi đâu, ở đâu và cả những đứa con thiếu sự chăm sóc, quan tâm vì bố mẹ đang phải đi làm ăn biệt xứ…
Qua tìm hiểu tâm tư của chị em từng đi làm việc xa xứ về cho thấy, tuy là phụ nữ nhưng đây là đối tượng dễ bị xâm hại nhiều nhất, cả về tinh thần lẫn thể xác. Chính vì thế, có rất nhiều phụ nữ tuy “chân yếu tay mềm” nhưng họ phải chấp nhận đi làm ăn xa vì chồng ở nhà không chịu làm ăn, rượu chè bê tha. Nhiều người, đơn giản đi lao động “chui” cũng vì muốn có thu nhập ổn định cho gia đình, nhưng sang bên ấy lại gặp phải nhiều cạm bẫy vì không biết tiếng, không có người tin cậy đứng ra bảo lãnh, giúp đỡ. Đây cũng là lý do, khi Ban VSTBPN tỉnh có chủ trương xây dựng mô hình “ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực giới” đã chọn Sơn Hải làm nơi thí điểm. Mục đích của chương trình là nhằm cung cấp thông tin về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng hệ lụy của bạo lực gia đình. Tuyên truyền để thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đấu tranh xóa bỏ phân biệt đối xử về giới và định kiến giới, tác hại của định kiến giới, phân biệt đối xử về giới…
Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, xã đã xây dựng các câu lạc bộ với tên gọi “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới" và thành lập các tổ "Phòng chống bạo lực giới". Tại đây các thành viên tham gia sẽ được tham dự nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, tham dự các cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong toàn xã. Được nghe phổ biến và tuyên truyền về pháp luật với nhiều nội dung liên quan đến bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lao động… Đặc biệt, sau khi triển khai mô hình, xã cũng xây dựng “địa chỉ tin cậy”, “nhà tạm lánh” cộng đồng, phân công cán bộ trực đường dây nóng, cán bộ tư vấn cho nạn nhân. Trong những trường hợp nạn nhân bị bạo lực, hoặc có nguy cơ bị bạo lực sẽ được tư vấn, phục hồi tâm lý cho nạn nhân trên cơ sở giới; tư vấn, có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực, kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực tiếp cận với dịch vụ phòng, tránh bạo lực, dịch vụ y tế, vui chơi giải trí và phúc lợi xã hội khác để hoà nhập cộng đồng.
Ngày mới đi vào hoạt động, Câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” rất khó để thu hút thành viên tham gia vì nhiều người e ngại đến tên gọi “bạo lực”, “bất bình đẳng giới”. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, người dân trong xóm ngày càng hưởng ứng vì câu lạc bộ có nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, nội dung lại hết sức thiết thực. Các thành viên, đặc biệt là chị em hết sức tin tưởng và coi đây là chỗ dựa, là nơi chia sẻ mỗi khi trong gia đình có chuyện “cơm không lành canh không ngọt” hoặc trước khi đưa ra một quyết định. Chị Phạm Thị Hoàn, Bí thư Chi bộ xóm 13, chủ nhiệm CLB kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện với những cái kết “ngọt” như chuyện của gia đình anh chị L.H. Anh chị đều làm nghề buôn bán, đã có 3 con cả trai, cả gái nhưng vì ghen tuông nên hai vợ chồng đã có những thời điểm xung đột, mâu thuẫn. Khi chia sẻ với các thành viên trong câu lạc bộ, hai anh chị đã được mọi người phân tích, tư vấn và tìm ra được những nguyên nhân và cách tháo gỡ những khúc mắc… Giờ thì chẳng những hai anh chị đã yên ổn, chí thú làm ăn, chuẩn bị “lên” chức ông, chức bà mà còn là thành viên tích cực nhất của câu lạc bộ.
Ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: Là địa bàn đất chật, người đông, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Nghề nghiệp buộc đàn ông thường phải đi biển dài ngày nên ở nhà phần lớn lại là phụ nữ. Tình trạng thiếu việc làm vẫn còn, có trên 1.000 phụ nữ trong xã chưa có công việc ổn định. Bên cạnh đó, do dân trí không đồng đều, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế dẫn đến việc đảm bảo công tác bình đẳng giới còn nhiều bất cập. Do thiếu đất ở nên nhiều gia đình sống 3, 4 thế hệ trong một nhà từ ông, bà, cha, me, con trai con dâu, cháu... dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột…
Cũng chính vì những khó khăn này, nên trong quá trình hoạt động các thành viên trong Câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” rất chú trọng đến yếu tố đặc thù và cố gắng sắp xếp chương trình, thời gian, nội dung sinh hoạt sao cho hiệu quả và thu hút được nhiều người tham gia nhất. Điều đáng mừng là ban đầu toàn xã chỉ có 1 câu lạc bộ và 1 tổ “phòng chống bạo lực giới” nhưng nay đã được nhân rộng ở 13 xóm và được mọi người tham gia nhiệt tình. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp hội viên, đoàn viên, các thành viên trong Câu lạc bộ và tổ "Phòng chống bạo lực giới" được nâng lên rõ nét, nhất là nhận thức về giới, về bình đẳng giới, về các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, các biện pháp và hình thức ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực giới.
Thông qua các buổi sinh hoạt tại cộng đồng tình làng xóm được củng cố và tăng cường, giá trị về đạo đức, lối sống trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư được các thành viên nhận thức rõ hơn, quan tâm xây đắp hơn. Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em không diễn ra, quan niệm trọng nam kinh nữ cơ bản được thay đổi, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được khống chế, tỷ lệ gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa tăng bền vững. Tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần được giữa vững. Các mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng được hòa giải kịp thời, hạn chế tối đa những xung đột không đáng có. Vai trò, hình ảnh người phụ nữ được tôn trọng và quan tâm hơn, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em được đảm bảo công bằng, đầy đủ.
Từ thành công ở xã Sơn Hải, hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Để từ đó, người dân được nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật, có nơi để sẻ chia và tìm được chỗ dựa… trong những lúc yếu thế.
Mỹ Hà