(Baonghean) - Bước vào mùa mưa bão năm nay, từ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống lụt bão các năm trước, huyện Nghĩa Đàn đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Năm 2015, được dự báo có thể xảy ra các tình huống như lũ quét, ngập úng, sạt lở, mưa đá, lốc xoáy tại các địa phương. Trong tháng 6 vừa qua, một số địa phương như: Nghĩa Thắng, Nghĩa Tân đã bị ảnh hưởng của lốc xoáy. Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết diễn bến phức tạp, huyện Nghĩa Đàn đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng đối với công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm nay. Nhiệm vụ trước mắt là chỉ đạo các phòng ban, các địa phương thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình hồ, đập trên địa bàn để có phương án sửa chữa, nâng cấp, gia cố, nhằm bảo đảm an toàn. Đồng thời kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng phương án, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, kiểm tra việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. 
 
Xã Nghĩa Thịnh có địa hình phức tạp, dòng sông Hiếu chạy qua và có 3 hồ, đập lớn xả lũ tiêu úng. Trong những năm qua, đập Khe Thái đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo nước cho bà con nông dân sản xuất. Tuy nhiên, trên tuyến Tỉnh lộ 531 có 2 đập Khe Thái và đập Tân Hồng nằm hai bên đường, nên mỗi khi mùa mưa đến, nước từ trên cao đổ về, không kịp tiêu thoát, làm cho giao thông ở đây bị chia cắt. Nhằm chủ động phòng ngừa thiệt hại do thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, Ban PCBL xã Nghĩa Thịnh đã chỉ đạo và xây dựng phương án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chủ động chỉ đạo công tác cứu hộ, công tác chống úng, nạo vét kênh mương, đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời khi có lũ lụt xảy ra.
 
Ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh cho biết: “Chúng tôi đã kiện toàn Ban PCBL xã, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể như: công an có nhiệm vụ trực bảo vệ các tuyến đường ngập lụt; lực lượng dân quân giúp nhân dân vận chuyển khi cần thiết và khi mùa mưa lũ về, các thành viên tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao. Quá trình đó, xã sẽ tăng cường kiểm tra đôn đốc”.
 
images1383357_3b.jpgKiểm tra dụng cụ, phao cứu hộ phục vụ mùa mưa bão.
 
Còn tại xã Nghĩa Yên, công tác PCBL những năm qua được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện nay, xã đã thành lập đoàn đi kiểm tra 5 công trình hồ đập trên địa bàn. Riêng công trình đập Đồng Kè bị vỡ trong đợt mưa lớn tháng 6 vừa qua, trước mắt địa phương đã xuống hiện trường chỉ đạo bà con nhân dân dựng chiếc cầu tạm để thuận lợi cho nhân dân lưu thông trên đoạn đường này. Trước mùa mưu bão năm nay, xã đã lên phương án, trích nguồn quỹ dự phòng của xã để tu sửa nâng cấp thân đập này. Ông Hoàng Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: “Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, trước mùa mưa bão xã đều thành lập đoàn đi kiểm tra các công trình, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban chỉ đạo cắm chốt bảo vệ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lụt gây ra”.
 
Huyện Nghĩa Đàn hiện có 137 hồ, đập lớn nhỏ. Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, hàng năm trước mùa mưa bão huyện tổ chức các đoàn đi kiểm tra các công trình, từ đó có phương án sửa chữa những công trình xung yếu. Trong năm 2015, huyện Nghĩa Đàn đã đầu tư tu sửa 9 công trình với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng. Đồng thời, cấp 100 phao tròn, 200 áo pháo cứu sinh và 4 nhà bạt cho các địa phương và các thành viên trong Ban chỉ đạo PCBL. Khi mưa bão xảy ra, UBND huyện Nghĩa Đàn yêu cầu các xã, thị trấn trực 24/24 giờ, chịu trách nhiệm về chế độ thông tin báo cáo tình hình thiên tai, lũ lụt trên địa bàn. Chỉ đạo đến tận các thôn, xóm chủ động bố trí người và phương tiện để ứng cứu kịp thời những nơi thường xuyên xảy ra ngập lụt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cơ sở nhằm sẵn sàng đối phó với thiên tai trong mọi tình huống. Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Để đảm bảo an toàn trước mừa mưa bão năm 2015, ngay từ đầu năm huyện triển khai phương án phòng, chống bão lụt, chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành liên quan tăng cường ra soát các công trình ách yếu trên địa bàn, để có phương án tu sửa; kiện toàn ban chỉ đạo PCBL huyện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thường xuyên cập nhật thời tiết để lên phương án, tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về Luật Phòng chống thiên tai…”.
 
Minh Thái - Thu Hiền 
(Đài Nghĩa Đàn)