Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức phiên giải trình về việc giải quyết các tồn tại, hạn chế từ các dự án thủy điện đã được HĐND tỉnh kết luận và kiến nghị thông qua tổ chức đoàn giám sát, tiến hành phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh trước đó.

CẦN TRÁCH NHIỆM, KỊP THỜI
TRONG GIẢI QUYẾT CÁC TỒN TẠI

Có thể nói, những bất cập, hạn chế từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đã tồn tại cả chục năm nay và được cử tri kiến nghị nhiều lần. Những bức xúc của cử tri, mặc dù trước đó HĐND tỉnh đã có nhiều động thái tác động để giải quyết, nhưng vẫn chưa có bước chuyển.

Cho đến năm 2018, HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức 2 cuộc giám sát, khảo sát thực tế tại các địa phương, đồng thời đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp giữa năm (kỳ họp thứ 6) của HĐND tỉnh và có Thông báo số 175/TB-HĐND ngày 5/9/2018 của Thường trực HĐND tỉnh về kết luận nội dung chất vấn.

bna_image_6416080_3152019.jpgCần rà soát và xây dựng lại hành lang xả lũ các dự án thủy điện, đảm bảo an toàn cho người dân cư ngụ gần dự án. Ảnh: Mai Hoa

Sau khi có Thông báo số 175/TB-HĐND, UBND tỉnh vào cuộc chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương, chủ đầu tư thực hiện liên quan đến hàng loạt vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập, quy trình vận hành hồ chứa, quy trình xả lũ cũng như giải quyết các tồn tại về bồi thường, tái định cư, giải quyết đất sản xuất… UBND tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo đề xuất đối với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về chủ trương giải quyết các tồn tại từ dự án thủy điện Bản Vẽ.  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo cụ thể việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc kéo dài ở dự án Thủy điện Bản Vẽ tại Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 trên cơ sở đề xuất của tỉnh.

Liên quan đến quy trình vận hành hồ chứa cũng được Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan và tỉnh Nghệ An, các chủ đầu tư các dự án thủy điện nghiên cứu điều chỉnh và hiện tại đang triển khai. Đối với từng nội dung kết luận của từng dự án tại Thông báo số 175/TB-HĐND cũng được các địa phương phối hợp các chủ đầu tư để thực hiện.

Đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành việc giao đất bổ sung cho các hộ còn thiếu đất (hiện còn 17 hộ) và hoàn thành hồ sơ thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ tại Thanh Chương; hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng và xây dựng khu xử lý rác thải tại 13 điểm tái định cư thủy điện Hủa Na; đầu tư bổ sung một số hạng mục, như nhà vệ sinh, bể nước, nhà cộng đồng thuộc dự án thủy điện Khe Bố... Tuy nhiên, tiến độ giải quyết cơ bản đang còn quá chậm và khối lượng giải quyết chưa được nhiều.

Đoàn công tác của tỉnh khảo sát các bất cập hậu dự án thủy điện Bản Vẽ tại Tương Dương. Ảnh: Mai Hoa

Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh được tổ chức vào ngày 25/4/2019, Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Tám thừa nhận sự chậm trễ này. Chẳng hạn, 8 vấn đề tồn tại của dự án thủy điện Bản Vẽ, đến thời điểm này đều chưa hoàn thành, mặc dù có một số nội dung yêu cầu giải quyết dứt điểm trong năm 2018, như làm 3 tuyến đường sản xuất cho người dân khu tái định cư Thanh Chương; hoàn thành di dời các hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ; hoàn thành giao đất bổ sung cho các bản, các hộ còn thiếu so với quy định. Đối với dự án thủy điện Hủa Na mới chỉ có 1/6 nội dung hoàn thành; dự án Thủy điện Khe Bố có 3 nội dung đều đang triển khai.

Nguyên nhân chậm, theo Giám đốc Sở Công Thương, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế chính sách do phải chờ xin ý kiến của Chính phủ và Bộ Công Thương (cơ quan chủ quan 3 dự án thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na) liên quan đến chính sách đền bù trên cốt ngập cho người dân bị ảnh hưởng; nguồn vốn đầu tư bổ sung một số công trình, hạng mục phát sinh… 

"Trong quá trình triển khai thực hiện, một số thành viên của hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng ở các huyện có sự thay đổi và về phía 3 chủ đầu tư đều chưa tích cực phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện".

Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương

Việc xây dựng khu tái định cư dự án thủy diện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương còn bất cập. Ảnh: Mai Hoa

Còn theo ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương, các tồn tại, hạn chế kéo dài cái chính là do các chủ đầu tư đang thiếu trách nhiệm, chậm thực hiện theo cam kết, hứa xong để đấy. Ông Hải đơn cử, việc sửa chữa nhà ở xuống cấp của người dân tái định cư, hứa đi hứa lại nhưng vẫn chưa sửa chữa cho dân. Hay việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng ki-ốt xăng của một hộ dân ở xã Tam Thái, mặc dù hộ này đã bỏ kinh doanh 7 năm nay, nhưng vẫn chưa được đền bù. Việc đầu tư các đoạn đường tránh ngập trên Quốc lộ 7, mặc dù đã có nhiều cuộc họp, hứa quý IV/2018 hoàn thành, rồi gia hạn tiếp sang quý I/2019, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương nhấn mạnh thêm, hàng năm, UBND tỉnh đều phê duyệt phương án phòng chống bão lụt của các dự án thủy điện; trong đó có điều kiện, sau xả lũ, các chủ đầu tư phải chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, kiểm đếm thiệt hại và bồi thường theo quy định hiện hành. .

"Sau các đợt xả lũ trong năm 2018 vừa qua, các chủ đầu tư thủy điện mới chỉ thực hiện hỗ trợ giống như làm từ thiện, chứ không phải thực hiện đền bù theo trách nhiệm của mình".

 Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương

Nhiều hộ dẫn vẫn còn sinh sống bên lòng hồ thủy điện Hủa Na. Ảnh tư liệu

TĂNG CƯỜNG DỰ BÁO,
CHỦ ĐỘNG ĐÓN - XẢ LŨ

Tinh thần chung tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh vừa qua là phải quyết liệt đốc thúc và gắn trách nhiệm cụ thể cho các chủ đầu tư các dự án thủy điện trong việc giải quyết các tồn tại, hạn chế tại các dự án thủy điện. Liên quan đến 8 vấn đề tồn tại, hạn chế của dự án Thủy điện Bản Vẽ được Thường trực HĐND tỉnh kết luận, thuận lợi là đã có 7 nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo trực tiếp tại Thông báo số 143/TB-VPC (trừ bồi thường đất trên cốt ngập chưa trả lời); vấn đề bây giờ là tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với các tồn tại của thủy điện Hủa Na, có ý kiến đề xuất, chủ đầu tư cần kiến nghị với Bộ Công Thương được áp dụng theo Thông báo số 143/TB-VPC nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc tương tự tại dự án này.

Không chỉ quan tâm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, nhiều ý kiến quan tâm tại phiên giải trình là cần có giải pháp “căn cơ” đối với các dự án thủy điện. Bởi tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn cho người dân sống kề cận lòng hồ và vùng hạ du là rất lớn khi các dự án thủy điện xả lũ. Vì vậy, điều mà UBND tỉnh và các ngành, các địa phương và chủ đầu tư cần quan tâm rà soát và xây dựng lại hành lang xả lũ đối với các dự án thủy điện; đồng thời đốc thúc hoàn thành phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa để điều hành, hạn chế thấp nhất rủi ro mà các dự án thủy điện mang lại, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh tư liệu

Mặt khác, các chủ đầu tư cần quan tâm nạo vét lòng hồ, tránh bồi lắng (hiện tại lòng hồ thủy điện Khe Bố bồi lắng lớn nhưng chưa được nạo vét); nếu không thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh cũng cần kiên quyết để kiến nghị Bộ Công Thương không cho tích nước hoặc buộc phải hạ cốt ngập xuống dưới mức cho phép. Đồng thời các chủ đầu tư cũng cần nghiên cứu, khắc phục các bất cập trong vận hành hồ chứa và tăng cường khả năng dự báo và có biện pháp chủ động đón lũ, xả lũ.

Rõ ràng, mục tiêu đầu tư phát triển các dự án thủy điện là vì lợi ích chung của quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng; tuy nhiên, bên cạnh lợi ích quốc gia là an toàn tính mạng của người dân được đặt lên trước hết, để các dự án thủy điện đầu tư đúng, an toàn, tạo môi trường phát triển kinh tế - xã hội.