Những tồn tại, vướng mắc
Ngày 28/11/2018, UBND huyện Tương Dương có tờ trình gửi UBND tỉnh, Tổng Công ty Phát điện 1 và Ban Quản lý dự án Thủy điện 2 đề nghị hỗ trợ kinh phí cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi Dự án thủy điện Bản Vẽ là gần 160 tỷ đồng.
Danh mục đề nghị hồ trợ gồm: Thực hiện sửa chữa nhà ở tái định cư, các công trình công cộng do chủ đầu tư xây dựng đã xuống cấp với kinh phí khoảng hơn 2,5 tỷ đồng; Hỗ trợ san nền nhà ở cho 3 bản khó khăn vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng; Đầu tư bổ sung khu tái định cư tại cụm Xốp Vi để di chuyển 59 hộ còn lại tại các bản Xốp Cháo, Khe Pặng và Pủng Meo, với kinh phí khoảng 11 tỷ đồng.
Hỗ trợ xây dựng mới khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng trường THCS xã Yên Na với kinh phí khoảng 8,5 tỷ đồng; Hỗ trợ thiệt hại do đợt xả lũ ngày 30 – 31/8/2018 khoảng 22 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở cho 31 hộ dân xã Lượng Minh có nơi ở mới; 10 tỷ đồng sửa chữa 4 vị trí bị ngập, hư hỏng trên tuyến đường 543B; 2 tỷ đồng sửa chữa 2 cầu treo bị hư hỏng).
Ngoài ra, bồi thường, hỗ trợ về đất đai trên cốt ngập với khoảng hơn 107 tỷ đồng, vì toàn bộ diện tích đất trên cốt ngập của Dự án thủy điện Bản Vẽ theo quy định tạm thời của dự án thì không thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nhân dân trong khu vực lòng hồ đều phải di dời về các khu tái định cư tại huyện Thanh Chương và Tương Dương, không thể sản xuất trên phần diện tích này mà phải trả lại Nhà nước quản lý sử dụng vào mục đích khác là 4298,11ha (gồm đất lâm nghiệp nhà nước đã giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất cho dân theo NĐ 163, đất ở nông thôn, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản).
Để thực hiện việc giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Bản Vẽ, ngày 7/12/2018, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30/1/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, với những nội dung ở xã tái định cư thuộc huyện Thanh Chương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng ý thực hiện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng Nhà văn hóa bản Nóng bằng nguồn vốn của dự án. Còn việc đầu tư xây dựng sân vận động, chợ nông thôn, đài tưởng niệm liệt sỹ thì đề nghị địa phương xem xét sử dụng nguồn vốn nông thôn mới hoặc nguồn khác để đầu tư.
Bên cạnh đó, đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thành xây dựng 3 tuyến đường sản xuất, dứt điểm công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSD đất; bàn giao mặt bằng khu lán trại phục vụ thi công Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, thực hiện bồi thường chênh lệch nơi đi nơi đến…
Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát điện 1 Nguyễn Nam Thắng khẳng định, chủ đầu tư sẽ phối hợp sớm hoàn thành các nội dung thuộc thẩm quyền, hoặc đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chấp thuận cho phép thực hiện. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có văn bản cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giải quyết các nội dung còn chưa có sự thống nhất …
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền yêu cầu đến hết quý II/2019 phải hoàn thành dứt điểm các nội dung đã có sự thống nhất. Đó là việc thực hiện dứt điểm công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSD đất, xây dựng nhà văn hóa bản Nóng, 3 tuyến đường sản xuất ở xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn; bàn giao mặt bằng khu lán trại phục vụ thi công nhà máy thủy điện Bản Vẽ, thực hiện bồi thường nơi đi nơi đến và hỗ trợ việc di chuyển của nhân dân…
Về việc bồi thường, hỗ trợ đất đai trên cốt ngập, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành liên quan kiểm tra, tham mưu hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư. Đồng thời, tiếp tục có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam để có sự đồng thuận trong việc thực hiện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình thiết yếu ở 2 xã tái định cư Ngọc Lâm, Thanh Sơn của huyện Thanh Chương, cùng các khu tái định cư ở huyện Tương Dương.