Nối tiếp thành công của việc sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526, Nhà máy A32 tiếp tục thực hiện công việc với cặp Su-27SK 6001/6003.

Nhà máy A32 là cơ sở đầu ngành của Cục Kỹ thuật - Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc đại tu, sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng máy bay chiến đấu từ Su-22M, Su-27SK/UBK cho tới Su-30MK2.

Trong năm 2016, Nhà máy A32 dưới sự trợ giúp kỹ thuật từ các chuyên gia Ukraine đã tiến hành kéo dài hạn sử dụng cho chiếc tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 sau khi nó đã trải qua 20 năm sử dụng.

Thành công của chương trình đại tu, sửa chữa lớn chiến đấu cơ Su-27UBK (phiên bản 2 chỗ ngồi) đã tạo tiền đề để đơn vị thực hiện nội dung tương tự đối với biến thể Su-27SK (phiên bản 1 chỗ ngồi).

image_710261.jpgHai chiếc tiêm kích Su-27SK đang được đại tu, sửa chữa lớn tại Nhà máy A32.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI thì trong giai đoạn 1995 - 1996, Việt Nam đã tiếp nhận từ Nga tổng cộng 12 chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-27 Flanker ở cả hai phiên bản Su-27SK và Su-27UBK.

Số liệu của nhà sản xuất Sukhoi cho biết thời hạn phục vụ tối đa của tiêm kích Su-27 là 20 năm hoặc 2.000 giờ bay, tức là trung bình 100 giờ hoạt động trên không mỗi năm. Do vậy thời điểm năm 2016 đã tới lúc chúng cần được đưa vào dây chuyền bảo dưỡng.

Trong một phóng sự đăng trên báo Tuổi trẻ, các cán bộ kỹ thuật của Nhà máy A32 cho biết, sau khi kéo dài thời hạn sử dụng thì chiếc tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 sẽ phục vụ thêm được 8 - 9 năm nữa, đủ thời gian để Không quân Việt Nam tiến lên các thế hệ máy bay chiến đấu hiện đại hơn.

Cán bộ kỹ thuật của Nhà máy A32 đang tiến hành công tác đại tu tiêm kích Su-27SK.

Thành công của việc khôi phục năng lực chiến đấu cho chiếc Su-27UBK số hiệu 8526 chắc chắn sẽ khiến cho các cán bộ, kỹ sư của Nhà máy A32 thêm tự tin khi thực hiện công việc với cặp Su-27SK số hiệu 6001 và 6003 đang ở trên dây chuyền.Với tiến độ trung bình 1 cặp Su-27SK/UBK mỗi năm, dự kiến quá trình cải tạo số chiến đấu cơ trên sẽ kịp kết thúc trước khi chúng đòi hỏi phải đưa vào tình trạng niêm cất bảo quản,vgiúp duy trì năng lực chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra đây còn là tiền đề để cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tiến tới thực hiện nội dung tương tự với thế hệ sau của Su-27SK/UBK là Su-30MK2, thậm chí không ngoại trừ khả năng các cặp Su-27 lần sau còn được nâng cấp lên chuẩn Su-27SKM hoặc Su-27UBM có năng lực tấn công mặt đất tương đương Su-30MK2./.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN