(Baonghean) - Sáng  sáng, cặp lồng, bi đông nước, võng dù, tất tả đạp xe tới địa điểm tập kết là những bóng cây ven đường tại những điểm như ngã tư “Vòi Phun”, đầu cầu Kênh bắc, ngã tư chợ Đại học Vinh ở trên địa bàn TP. Vinh... Ấy là đội quân “gióng gánh”. Gian khổ và bất trắc từ nghề ai cũng đã từng nếm trải nhưng đã là nghiệp mưu sinh thì phải gắn với nó...

Chiếc xe  ô tô tiến chầm chậm lại điểm tập kết ngã tư Vòi Phun (TP. Vinh). Rất đông phụ nữ tay gồng, vai gánh chạy ùa ra xôn xao mời chào. Ông khách chỉ cần 2 người cho một công việc mà theo ông là đến rồi khắc biết.  2 chị được chọn vội vàng quay xe, nhấn pê đan đạp cuống cuồng sợ ông khách đi khuất, không biết địa chỉ. Còn lại 5 chị và 2 người đàn ông ngáp dài nhìn theo bóng 2 phụ nữ may mắn...

Ngày hôm đó, cả nhóm không có việc, cặp lồng cơm mang đi ăn không hết vì rỗi quá, không đói.

Ở chợ lao động này các chị ngồi thành từng nhóm, mỗi nhóm chừng 5 - 10 người. Nếu có khách các chị thường đi đôi đi ba, đi cho vui , nhỡ có bất trắc gì còn có chị có em. Công việc mà các chị thường nhận là lau chùi nhà cửa, khuân vác đồ đạc, cắt cỏ làm vườn, vận chuyển nguyên vật liệu, cũng có khi chỉ là giặt giũ chăn màn, quần áo cho một vị chủ nhà nào đó không kham nổi công việc gia đình...

Chị Nguyễn Thị Hồng là người có thâm niên vào nghề gióng gánh từ năm 1988, cho biết: “Trước đây tôi thường đi làm phụ hồ cho chủ thầu, nhưng nhiều khi chủ nợ tiền công tới 2-3 tháng, cơ cực lắm, ra “chợ Vòi Phun” này ngồi chờ việc, ngày son sẻ cũng được trăm bạc, tuy ít việc nhưng được cái “tiền tươi thóc thật”. Có những gia chủ rất thương người thấy các chị làm vất vả, khối lượng công việc lớn thì thưởng thêm dăm ba chục, nhưng cũng có gia chủ khó tính đã trả rẻ lại còn tỏ ra nghi kỵ... Chị Hồng tự hào nói: “Bao nhiêu năm làm nghề này nhưng chưa lúc nào tôi cầm của nhà nào cái chổi, đôi dép. Ai đi cùng có ý định cầm nhầm là tôi can ngay”.

Còn ở các ki-ốt gạo, thức ăn chăn nuôi ở đường Trường Chinh, khu vực gần Ga Vinh có 4 người bám trụ với công việc khuân vác nhưng 3 người là nữ giới, gồm chị Lê Thị Côi, Phạm Thị Nhung, Phạm Thị Hồng. Các chị “đóng” trước ki-ốt bán gạo và thức ăn chăn nuôi của bác Lệ. “Chuyên môn” của các chị là bốc hàng thức ăn chăn nuôi, mỗi bao hàng mà các chị phải mang vác thường nặng từ 70 – 80 kg, mỗi tấn hàng các chị chỉ được nhận 25.000 đồng. Hỏi các chị sao không chuyển qua “gióng gánh” cho đỡ vất vả lại có thu nhập hơn, các chị nói: “Làm nghề nào thì quen nghề đó, hơn nữa mình làm đây lâu năm cũng có địa bàn, người ta bên ấy cũng vậy, tự nhiên chuyển qua hóa ra tranh việc của họ à? ”.

783742_small_84045.jpg

                                          Chị Nguyễn Thị Nhung đang bốc hàng.

Đa số những phụ nữ gióng gánh và cửu vạn kể trên đều định cư ở xóm Mai Lộc (Hưng Đông – TP. Vinh), là công nhân HTX đóng tàu sông biển trước đây. HTX giải thể từ cuối thập kỷ những năm 80, các chị không tiền trợ cấp, không vốn liếng, không nghề cầm tay, đành nhờ chút sức lực nhỏ nhoi bưng bê, khiêng vác mong kiếm tiền nuôi con.

Các chị mỗi người mỗi hoàn cảnh và hầu như đều đã gặp bất trắc và hiểm nguy khi làm nghề. Chị Hạnh đi gióng gánh nuôi ông chồng và ba đứa con trưởng thành chờ việc, sức vóc mạnh khỏe nhưng phải cái bệnh “sưa sườn”. Chị Thanh bị câm điếc từ nhỏ phải nuôi mẹ già, ai thuê thì phải đi cặp đôi nhờ bạn phiên dịch dùm. Chị Côi có bận đi bốc xi măng tận Hưng Chính không may ngã gãy tay, đã phải nghỉ việc lại còn tiêu thêm tiền thuốc thang. Lại có bận chị mổ nhưng chỉ dám nghỉ chờ lành vết thương là đi bốc vác kiếm thêm ít đồng nuôi chồng bệnh hiểm nghèo đã 4- 5 năm... Nhưng rất nhiều người trong số các chị không chỉ coi những công việc nhọc nhằn, bất trắc đó và “nghề” mà còn là “nghiệp”.

Ví như chị Nhung đã làm nghề bốc vác hơn 20 năm ở chợ Ga Vinh. Ngày trước, một nách 3 đứa con nhỏ, chồng chị đã bỏ mẹ con mà đi khi đứa con thứ 3 còn đỏ hỏn. Ấy thế mà nhờ cái nghề này chị đã vượt qua chặng đường gian khó nuôi 3 con trưởng thành. Giờ chị vẫn theo nghề, đơn giản nếu nghỉ chị thấy nhớ nó.

Năm nay công việc có vẻ èo uột hơn, có ngày được dăm chục nhưng có ngày ngồi chơi, làm vài ván tá lả, nhổ tóc sâu,...chiều đến “túi không” về nhà. Nhưng không bao giờ các chị bi quan, bởi ai cũng mang theo những hy vọng ngày mai sẽ có thêm tiền để đóng học phí cho con, thêm một món ăn tươm tất trên mâm cơm gia đình. Nghĩ vậy mà mắt lấp lánh niềm vui...

 Sau ngày làm việc mệt nhọc, các chị lại nói cười râm ran, có chị tạt vội qua chợ mua đồng dưa rau, con cá... Đó cũng chính là những hạnh phúc bình dị nhỏ nhoi mà những người phụ nữ vất vả này tìm được từ cuộc đời.


Thanh Nga