ỔN ĐỊNH SAU DỊCH

Theo số liệu thống kê của Khu Kinh tế Đông Nam, năm 2021, tổng doanh thu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp và KKT Đông Nam là 57.212 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2021. Kết quả này cho thấy nhiều doanh nghiệp tự tin đứng vững sau dịch với mức tăng trưởng cao hơn năm 2020 và vì vậy, những phúc lợi, chăm lo cho công nhân lao động cũng được đảm bảo.

bnacong_nhan_1350757_1112022.jpegNgười lao động mong chờ thưởng Tết sau một năm biến động vì dịch. Ảnh: PV

Tại Công ty CP may Minh Anh Kim Liên (TP. Vinh), mặc dù công ty chưa có quyết định cụ thể về mức thưởng Tết nhưng người lao động rất lạc quan rằng mức thưởng năm nay sẽ bằng hoặc cao hơn năm trước.

Chị Nguyễn Thị Cúc – công nhân công ty chia sẻ: “Dịch bệnh vừa qua không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh sản xuất của công ty chúng tôi, các đơn hàng được đảm bảo, công việc và thu nhập của công nhân lao động được duy trì. Đó là cơ sở để chúng tôi tin rằng mức thưởng Tết năm nay ở công ty sẽ cao hơn hoặc bằng với mức thưởng Tết năm ngoái”.

Tâm lý thoải mái của chị Cúc cũng là tâm lý chung của hầu hết công nhân Nhà máy sữa TH (Nghĩa Đàn). Khi được hỏi về mức thưởng Tết năm nay, anh Mẫn – công nhân bảo trì của nhà máy, thổ lộ: “Theo như chúng tôi được biết thì dịch bệnh có ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của tập đoàn. Tuy nhiên, vì nhà máy luôn quan tâm đến đời sống và lợi ích của công nhân lao động, nhất là trong đại dịch, nên dù chưa có thông báo chính thức, tôi vẫn tin rằng mức thưởng Tết năm nay không biến động nhiều so với những năm trước”.

Mặc dù chi phí chống dịch trong năm vừa qua rất lớn nhưng lãnh đạo Công ty TNHH Kido Vinh vẫn cố gắng để người lao động có một cái Tết sum vầy như mọi năm. Ảnh: DT

Không may mắn như 2 đơn vị được nhắc ở trên, Công ty TNHH Kido Vinh (Đô Lương) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Kể từ tháng 8 đến tháng 12/2021, ngân sách công ty phải chi trả một khoản rất lớn cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, với mong muốn hỗ trợ tối đa cho người lao động, góp phần giữ chân lao động cũ và thu hút thêm lao động mới, công ty đã nỗ lực cân đối tài chính để đem đến cho người lao động một cái Tết ấm no nhất có thể. Chị Ngọc Anh – phụ trách nhân sự công ty chia sẻ: “Công ty vẫn duy trì mức thưởng Tết như mọi năm, tức là thêm 1 tháng lương nữa. Dù chưa chốt số liệu cụ thể nhưng công ty đang xây dựng kế hoạch tăng lương và thưởng thêm tiền chuyên cần, hỗ trợ cho lao động thâm niên trên 10 năm trong thời gian tới”. Chị Ngọc Anh cũng tiết lộ thêm, chương trình Tết Sum vầy năm nay vẫn giữ những nội dung mang tính nhân văn cao như bốc thăm may mắn và tặng 25 sổ tiết kiệm cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, dù ngân sách cho hạng mục này chiếm đến hàng trăm triệu đồng.

Cùng quan điểm, ông Bùi Văn Hùng – Chủ tịch Công đoàn công ty sản xuất Bao bì Thiên Phú  (Nghi Lộc) cho biết: “Mặc dù đại dịch Covid – 19 khiến một số đơn hàng nước ngoài phải hủy,  doanh thu của công ty thấp hơn cùng kỳ các năm trước, nhưng công đoàn và ban giám đốc đã bàn bạc nhiều biện pháp để đảm bảo 100% người lao động đều được hưởng lương tháng 13 và các chế độ phúc lợi khác không để thấp hơn so với các năm trước. Dự kiến, cuối tháng 1/2022 dương lịch, công ty sẽ tổ chức “Tết Sum vầy - Xuân Bình an" cho đoàn viên và người lao động với số tiền chi khen thưởng và quà trên 700 triệu đồng”.

Công đoàn ngành Nông nghiệp khảo sát nắm tình hình tài chính của công đoàn cơ sở để thực hiện chăm lo Tết cho người lao động. Ảnh: PV

Chia sẻ về mức thưởng Tết tại các CĐCS trực thuộc, bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam cho hay: “Qua khảo sát của Công đoàn KKT Đông Nam về tình hình việc làm, đời sống, thu nhập CBCNVCLĐ, tiền thưởng Tết năm nay cao nhất là khoảng 30 triệu đồng và thấp nhất khoảng 1,5 triệu đồng. Mặc dù một số doanh nghiệp chưa chốt được con số cụ thể về mức thưởng Tết nhưng có thể thấy rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô lớn, đã rất cố gắng để đảm bảo mức thưởng cao nhất trong khả năng cho công nhân. Bởi lẽ đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tình hình tuyển dụng của công ty trong tương lai, nhất là trước nguy cơ thiếu công nhân lao động như hiện nay”.

NHỮNG TRĂN TRỞ VÀ CHIA SẺ

Bên cạnh những doanh nghiệp vững vàng trước dịch thì rất nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng. Kèm theo đó là nỗi bất an, trăn trở của công nhân lao động khi Tết đã cận kề.

Công đoàn KKT Đông Nam nắm số liệu hỗ trợ Tết tại CĐCS. Ảnh: PV
 Tại Khu Kinh tế Đông Nam, Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam là một trong những đơn vị gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch Covid-19. Chia sẻ cụ thể hơn về tình hình công ty, anh Nguyễn Đăng Mạnh – Chủ tịch công đoàn công ty nói: “Covid-19 khiến tình hình sản xuất của công ty bị gián đoạn một thời gian dài và dù đã áp dụng 3 tại chỗ nhưng các đơn hàng của chúng tôi không thể hoàn thành theo đúng tiến độ. Cho đến thời điểm hiện tại, các kho hàng đã chật cứng nhưng không thể bàn giao. Cũng chính vì vậy nên ai cũng hiểu rằng mức thưởng Tết năm nay sẽ sụt giảm so với các năm, còn cụ thể là bao nhiêu thì lãnh đạo công ty chưa nói. Công đoàn công ty cũng đang đề nghị lãnh đạo công ty sớm công bố mức thưởng Tết để người lao động không bị xáo trộn thông tin, ổn định tinh thần và có sự chuẩn bị phù hợp, tránh những nguy cơ không đáng có”. Được biết, giai đoạn giãn áp dụng 3 tại chỗ do bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến ngân sách công ty này hao hụt rất nhiều.

Tình trạng thông báo chậm, muộn về mức thưởng Tết cũng là tình trạng chung của không ít doanh nghiệp khác. Ông Nguyễn Văn Quỳnh – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may An Nam Matsuoka trăn trở: “Gần như năm nào cũng vậy, lãnh đạo công ty luôn thông báo về mức thưởng khi đã sát ngày nghỉ Tết. Điều này khiến ban chấp hành công đoàn công ty không có sự chuẩn bị để thương lượng, cân đối giữa nguyện vọng đôi bên, dẫn đến tâm lý bất bình của người lao động”.

Công đoàn Công ty sản xuất Bao bì Thiên Phú (Nghi Lộc ) trao 64 suất quà với mỗi suất quà Tết của công đoàn cho đoàn viên và người lao động tại công ty. Ảnh: PV

Tại một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Liên Hiệp, Công ty CP đầu tư và kinh doanh Bãi Lữ…, sự ảm đạm này là điều không tránh khỏi. Dịch bệnh khiến người lao động tại các doanh nghiệp này không có việc làm và doanh số công ty sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, khoản hỗ trợ 300.000 đồng/người từ ngân sách của tổ chức công đoàn theo Kế hoạch Số 146 /KH-TLĐ ngày 28/10/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam càng trở nên quý giá. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều công đoàn huyện, ngành đã hoàn thành công tác khảo sát, chốt số liệu để thực hiện kế hoạch hỗ trợ này.

Theo bà Phan Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Thái Hòa, sau khi chốt số liệu, cơ bản các công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đều có thể tự chủ kinh phí để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. “Chỉ có một đơn vị với 1.200 lao động đề xuất LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng để thực hiện chương trình này vì năm vừa qua đơn vị đó chi quá nhiều cho công tác chống dịch” – bà Thanh Thủy chia sẻ. Tại Diễn Châu, sau khảo sát, có 9 doanh nghiệp trên địa bàn huyện cần LĐLĐ huyện hỗ trợ Tết cho 4.370 lao động tương đương kinh phí 1,3 tỷ đồng… Có thể nói, trước những khó khăn mà doanh nghiệp và người lao động gặp phải trong năm vừa qua, sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn là vô cùng ý nghĩa.