1. “Sát thủ” do thám P-8A Mỹ áp sát căn cứ Nga tại Syria

52073853_1142018.jpgMáy bay P-8A của Mỹ. Ảnh: US Navy
Chiều 10/4, một máy bay trinh sát P-8A của Hải quân Mỹ đã cất cánh từ vùng Sigonella ở phía đông Địa Trung Hải và bay về phía hai tỉnh duyên hải Latakia và Tartous của Syria. Đây cũng những khu vực Nga đặt các căn cứ không quân tại Syria.

Aircraft Spots đã theo dõi lộ trình bay của P-8A và phát hiện ra rằng máy bay trinh sát của Mỹ đã bay vòng quanh trên vùng trời Địa Trung Hải ở khu vực Syria và Cyprus. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi một máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga được phát hiện bay dọc bờ biển Syria để thăm dò các hoạt động trên không của Mỹ ở đông Địa Trung Hải.

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ, Syria và Nga liên quan tới cáo buộc tấn công vũ khí hóa học khiến ít nhất 70 người thiệt mạng tại thị trấn Douma, Đông Ghouta đang tăng nhiệt. Tổng thống Donald Trump nghi ngờ lực lượng chính phủ Syria gây ra vụ tấn công và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn, trong khi cả Damascus và Moscow đều lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc.

2. Nga cảnh báo bắn hạ mọi tên lửa Mỹ phóng vào Syria

Tên lửa S-400 Nga khai hỏa trong một lần thử nghiệm. Ảnh: Sputnik.
Đại sứ Nga tại Lebanon cho biết Tổng thống Putin cam kết sẽ phá hủy mọi khí tài Mỹ sử dụng để tấn công Syria. "Nếu Mỹ tấn công Syria, tất cả tên lửa thậm chí là những khí tài phóng sẽ bị bắn", Reuters dẫn tuyên bố của Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin trên kênh truyền hình al-Manar TV của lực lượng Hezbollah tối  10/4. Zasypkin cho biết ông chỉ nhắc lại lời của Tổng thống Vladimir Putin và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.

Tuyên bố của quan chức Nga được đưa ra trong bối cảnh các diễn biến gần đây cho thấy Mỹ dường như sắp phát động một đợt không kích nhằm vào Syria sau khi quân đội chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta hôm 7/4, khiến 70 người thiệt mạng.

Một tàu khu trục Mỹ mang tên lửa dẫn đường hiện có mặt ở đông Địa Trung Hải, ngoài ngơi Syria, trong khi chiếc thứ hai sẽ đến đây trong vài ngày tới. Các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Australia hay Arab Saudi đều đã bày tỏ sự ủng hộ với bất cứ chiến dịch nào của Washington nhằm vào Damascus.

3. Anh từ chối tham gia tấn công Syria

Thủ tướng Anh Theresa May
Times đưa tin, Thủ tướng Anh Theresa May, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng London cần phải có thêm bằng chứng về vụ tấn công hóa học ở Syria trước khi tham gia vào cuộc tấn công nước này.

"Thủ tướng Theresa May nói với Tổng thống Donald Trump ngày 10/4 rằng Anh cần thêm bằng chứng về vụ tấn công hóa học mà chế độ Assad bị cáo buộc thực hiện trước khi quyết định tham gia cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria", tờ báo viết đồng thời làm rõ, Thủ tướng Anh không đồng ý tham gia vào việc "tấn công nhanh".

Trước đó, phương Tây cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Đông Ghouta, khiến hàng chục người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải "trả giá đắt" vì tiến hành một vụ tấn công vũ khí hóa học chết người nhằm vào dân thường. Ông Trump cũng đổ lỗi cho Iran và Tổng thống Nga Vladimir Putin vì ủng hộ “chế độ Assad hung bạo”.

4. Anh với Mỹ đã ngầm "bắt tay" nhau để chống lại Nga?

Anh đã thống nhất trước với Mỹ nhằm bôi nhọ Nga?
Trung tướng Buzhinsky cho rằng, hành động tẩy chay Nga của Anh vốn nằm trong kế hoạch bôi nhọ Moscow được tính toán từ trước, và đã được thống nhất trước với Hoa Kỳ, và nếu sự việc đi quá giới hạn thì chắc chắn Nga sẽ ra đòn đáp trả.

Trung tướng Evgeny Buzhinsky, cựu lãnh đạo Cục Các hiệp ước quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã nhận trả lời phỏng vấn trên tờ The National Interest của Hoa Kỳ, trong đó ông chia sẻ quan điểm của mình về vụ án cựu điệp viên Skripal, cũng như các xung đột có thể xảy ra giữa Nga và Hoa Kỳ.

Ông cho rằng, vụ đầu độc cựu đại tá GRU và con gái ông này tại Salisbury là "một kế hoạch khiêu khích" nhằm bôi nhọ và cô lập Nga, cũng như để tìm cớ trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Trung tướng lưu ý rằng ông không biết động cơ nào khiến chính phủ Anh phải có hành động khiêu khích, nhưng lưu ý rằng các hành động của bà Theresa May đã được thống nhất với Washington.

Ông Buzhinsky nhận định tình hình quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện tại còn nguy hiểm hơn trong thời Chiến tranh Lạnh.

5. Rơi trực thăng ở Nga, 6 người thiệt mạng và  rơi máy bay quân sự chở hơn 100 quân nhân tại Algeria

Trực thăng Mi-8. Ảnh minh họa: Sputnik
Truyền thông Nga đưa tin, vào 11h30 ngày 11/4 giờ địa phương, trung tâm quản lý khủng hoảng thuộc Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga nhận được thông tin về vụ tai nạn máy bay ở Khabarovsk, thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Theo Sputnik, trực thăng gặp nạn là Mi-8. Theo thông tin sơ bộ ban đầu, có 6 người trên trực thăng vào thời điểm gặp trục trặc. Các công trình dưới mặt đất không bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn.

Một phát ngôn viên của Ủy ban điều tra Nga nói với Sputnik rằng các nhân viên điều tra đang tìm hiểu hiện trường và xác danh tính các nạn nhân. “Trực thăng rơi trên đường Antennaya. Theo thông tin điều tra ban đầu, cả 6 người trên khoang đã thiệt mạng”, cơ quan tình trạng khẩn cấp địa phương thông báo.

Theo RT, trực thăng gặp nạn là trực thăng dân dụng của hãng Vostok, hãng hàng không địa phương của vùng Viễn Đông. Nó đang thực hiện chuyến huấn luyện khi gặp nạn. Trực thăng rơi trong tại khu vực không có người ở thuộc thành phố Khabarovsk.

Một máy bay quân sự của Algeria. Nguồn: sputniknews.com
Cùng ngày, một máy bay quân sự của Algeriachở hơn 100 quân nhân đã rơi tại sân bay quân sự Boufarik, ở thị trấn cùng tên thuộc tỉnh Blida, cách thủ đô Algiers chừng 32km.
Một nguồn tin quân đội Algeria cho biết không hy vọng có người sống sót. Vụ việc xảy ra vào lúc 8 giờ địa phương (14 giờ Hà Nội). Các nhân chứng đã thấy một cột khói đen lớn bốc lên gần khu vực đường băng.
6. Nhà tù Brazil bị tấn công bằng thuốc nổ, 21 người thiệt mạng
Xe cảnh sát đỗ ngoài cổng nhà tù Santa Izabel, Brazil.
Ít nhất 21 người thiệt mạng trong một vụ cướp ngục tại nhà tù ở phía bắc Brazil vào ngày 10/4. Nhóm tù nhân được hỗ trợ bởi nhóm vũ trang bên ngoài đặt thuốc nổ phá tường nhà giam. Lãnh đạo bang Para cho biết vụ cướp ngục tại nhà tù Brazil Santa Izabel không khác gì một trận chiến quân sự khi tù nhân bên trong và cả đồng phạm bên ngoài đều được trang bị vũ khí.
Theo những báo cáo ban đầu, “thuốc nổ đã được sử dụng để phá tường” và các viên cai ngục “đấu súng ác liệt” với nhóm tấn công.
Một viên cai ngục và 20 tù nhân cùng những kẻ tấn công năm trong số 21 người được xác nhận thiệt mạng. Năm viên cai ngục bị thương, gồm một người bị thương nặng.
Nhà tù đã phải rà soát số lượng tù nhân để phát hiện những kẻ trốn thoát, trong khi lực lượng cảnh sát đặc nhiệm được điều động tới chi viện để tăng cường an ninh.
Cảnh sát đã thu hồi 2 khẩu súng trường và 5 súng ngắn tại hiện trường vụ tấn công nhà tù ở Brazil.
7. 
IS đe dọa ông Putin
Tổng thống Nga Putin
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đe dọa Tổng thống Nga Vladimir Putin phải "trả giá đắt" trong dịp Cúp Bóng đá thế giới (World Cup).
Daily Mail đưa tin, tổ chức khủng bố này đưa kèm một tấm poster chết chóc nhằm vào World Cup, trong đó một thánh chiến binh lộ ra từ một vụ nổ, tay cầm khẩu AK-47, với một sân bóng đá đầy kín khán giả ở phía sau.

Hình ảnh của Tổng thống Putin xuất hiện bên trái poster, với một vùng mục tiêu màu vàng đen nhắm thẳng vào ông.

Đe dọa của IS dường như kết nối tới sự ủng hộ của Tổng thống Putin dành cho người đồng cấp Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống IS.

Tấm poster đã được các nhóm giám sát khủng bố phát hiện trên Twitter sau khi tài liệu độc hại này lan truyền khắp Telegram. Trước đó trên các mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông điệp và hình ảnh của nhóm Hiệp hội Truyền thống Wafa ủng hộ IS, đe dọa tấn công khủng bố vào World Cup.