1. Tháng 8/2013
Xác người thiệt mạng trong vụ tấn công vũ khí hóa học Syria hôm 21/8/2013. Cuộc tấn công này xảy ra sau hàng loạt vụ nổ trong đêm. Các nhóm nổi dậy khẳng định rằng tên lửa mang chất độc hóa học đã bắn trúng các thị trấn Ain Tarma, Zamalka, Jobar và Muadamiya ở Syria.
Nhiều ảnh chụp và video đã cho thấy hàng trăm thi thể của rất nhiều người. Các nạn nhân đều có triệu chứng như nôn mửa, tiết nước dãi quá mức, khó thở và rùng mình.
Chất độc được cho là một hỗn hợp gồm khí độc thần kinh sarin và các chất khác. Binh lính nổi dậy cũng phát tán ảnh chụp các loại rocket chứa chất độc hóa học mà họ nói được sử dụng trong cuộc tấn công.
Vụ tấn công vào năm 2013 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và làm rung động toàn thế giới.
2. Tháng 4/2014
Người dân Syria được hỗ trợ y tế sau khi được cho là bị trúng khí độc. Một vụ tấn công vào làng Kfar Zeita, thuộc tỉnh Hama (Syria) đã khiến rất nhiều người phải vào bệnh viện, và cả truyền thông Syria và các nhóm chống chính phủ nói rằng khí độc đã được sử dụng tại ngôi làng này.
Theo các lực lượng chống chính phủ, trực thăng của quân đội Syria đã thả bom tự chế xuống ngôi làng này, khiến khí clo phát tán. Chính phủ Syria cho rằng vụ việc này là do Mặt trận Nusra, một phân nhánh của al-Qaeda tại Syria gây ra.
Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã đưa ra tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy khí clo đã được sử dụng nhiều lần tại Syria. Một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc cũng nói rằng nhiều cuộc tấn công bằng khí clo đã diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 năm đó.
3. Tháng 5/2015
Một kho vũ khí hóa học được tìm thấy ở Syria. Ảnh minh họa: Nowtheendbegins Mùa xuân năm 2015, hai năm sau khi Tổng thống Assad đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình, thị trấn Sarmeen ở Syria lại bị tấn công bằng khí clo. Chất độc này được cho là đặt trong các thùng phi và phát nổ khi được thả từ trên cao xuống. Khí độc ngay lập tức làm khí quản của nạn nhân bị thương và trong một số trường hợp có thể khiến nạn nhân ngạt thở do phổi bị tràn dịch.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau đó đã đưa ra dự luật thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm xác định bên nào đã sử dụng khí clo làm vũ khí sát thương. Trong khi đó, phía Syria khẳng định đây là hành động tuyên truyền nhằm bêu xấu uy tín của họ.
4. Tháng 8/2015
Một thiếu niên người Syria bị phát hiện nhiễm khí độc mù tạt. Ảnh: Reuters. Tháng 8/2015, Tổ chức Y tế Syria – Mỹ, một tổ chức nhân đạo cho biết họ đã tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân, 23 người trong số đó có triệu chứng phơi nhiễm chất độc hóa học. Trên da của một số người có vết phồng rộp do một cuộc tấn công bằng khí mù tạt tại thành phố Marea, và một báo cáo của Liên Hợp Quốc khẳng định rằng thủ phạm là tổ chức khủng bố IS.
5. Tháng 9/2016
Các nạn nhân có triệu chứng ngạt thở sau khi hít phải khí độc từ vụ tấn công. Ảnh: RT Một cuộc tấn công hóa học khác xảy ra vào năm 2016 khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, khi các thùng chứa khí gas được cho là đã được thả xuống tại một khu vực ở Aleppo (Syria). Tuy việc sử dụng khí clo như một loại vũ khí đã bị cấm, song nó không nằm trong danh mục các loại chất độc cần phải tiêu hủy của chính phủ Syria do nó có nhiều ứng dụng trong dân sự.
6. Tháng 4/2017
Hình ảnh một nạn nhân trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun, Syria hồi tháng 4/2017. Ảnh: Indian Express. Hàng chục người, trong đó có phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng và hàng trăm người khác đã bị thương vào ngày 4/4/2017 tại Khan Sheikhoun thuộc miền Bắc Syria.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra báo cáo điều tra ban đầu cho thấy khí độc thần kinh sarin đã được tìm thấy trong các mẫu máu và nước tiểu của các nạn nhân được sơ tán tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích bằng 59 quả tên lửa Tomahawk xuống căn cứ al-Shairat của quân đội Syria.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông nghi ngờ vụ tấn công này đã xảy ra và rằng chính phủ Syria không sở hữu vũ khí hóa học, mà là lực lượng khủng bố đang chống lại phe Assad.
7. Tháng 4/2018
Nhiều người bị ngạt trong nhà và nơi trú ẩn ở Douma. Ảnh: Twitter/White Helmets Hàng chục người chết thảm và hàng trăm người bị thương trong một vụ tấn công được cho là dùng vũ khí hóa học ở Syria ngày 7/4.
BBC dẫn nguồn từ tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng (White Helmets) và các nhóm cứu hộ địa phương cho biết, vụ tấn công làm ít nhất 70 người "chết ngạt" và hàng trăm người khác bị thương ở Douma, một khu ngoại ô của thủ đô Damascus thuộc vùng Đông Ghouta.
Theo BBC cho biết thêm, một nhóm khác có tên Trung tâm Y tế Ghouta mô tả một trực thăng đã thả một quả bom thùng chứa khí độc Sarin xuống Douma.
Một số hình ảnh và video được đưa lên mạng xã hội cho thấy hàng chục dân thường bỏ mạng với bọt trắng đầy miệng và mũi. Một số video chiếu cảnh phụ nữ và trẻ nhỏ chết khắp các căn phòng. Các ước tính số người thiệt mạng nằm trong khoảng từ 40 tới hơn 150 người.