(Baonghean) - Quá trình tìm hiểu về kết quả thực hiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn Nghệ An, chúng tôi nhận thấy một trong những bất cập là trong khi đang thực hiện đẩy mạnh chủ trương phân luồng để các em không đủ điều kiện thi vào các trường THPT công lập có thể lựa chọn vào học các trường dạy nghề, thì các trung tâm giáo dục thường xuyên và nhất là các trường THPT dân lập và tư thục tìm cách tuyển sinh số học sinh không đậu THPT công lập hoặc đã phân luồng vào học.
Điều này dẫn đến hệ quả là cùng học THPT, nhưng chất lượng không đảm bảo gây lãng phí thời gian của các em và tiền của của cha mẹ. Một phép tính đơn giản, sau khi tốt nghiệp THCS, nếu 1 em đi học nghề, mỗi tháng cha mẹ chỉ mất 150.000 đồng tiền học phí, thậm chí từ 1/7/2015 còn được miễn tiền học phí; sau 3 năm ra trường các em có chứng chỉ và tay nghề thợ bậc 3, có thể có việc làm ngay, được học văn hóa và thi để công nhận trình độ tương đương bậc THPT. Trong khi đó, nếu tiếp tục học THPT dân lập, bình quân như trên địa bàn TP. Vinh mỗi tháng từ 350 - 400 ngàn đồng tiền học phí (nếu học ở các huyện thì học phí từ 250 - 300 ngàn đồng), mỗi năm bình quân mất 4 - 5 triệu đồng, dù các em vẫn lên lớp và tốt nghiệp, nhưng theo nhiều người, kiến thức các em tiếp thu không được là bao.
Từ năm 2010, trên cơ sở cho phép của ngành Giáo dục, các trung tâm giáo dục thường xuyên được tuyển sinh hệ THPT và làm hướng nghiệp, dạy nghề, góp phần dẫn đến một bất cập là cùng dạy nghề, trong khi đối tượng học sinh phân luồng chưa đáng là bao nhiêu (tỉnh ta mới chỉ khoảng 10% số học sinh thuộc diện phải phân luồng) nhưng có rất nhiều cơ sở tuyển sinh dẫn đến chồng chéo, tranh giành học sinh.
Mặc dù các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp và dạy nghề cấp huyện được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bộ máy (bình quân mỗi trung tâm có 20 - 30 cán bộ, giáo viên, trong đó khoảng 10 - 15 biên chế) nhưng không có học sinh để dạy. Trong khi đó, một mảng quan trọng tại các trung tâm trên là dạy kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp nhưng do thiếu trang thiết bị thực hành nên chủ yếu “dạy chay, học chay”. Tìm hiểu sơ bộ cho thấy, trong số 20 trung tâm giáo dục thường xuyên ở tỉnh ta thì chỉ có các trung tâm của các huyện Diễn Châu, Anh Sơn, Đô Lương và Tân Kỳ là hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả.
Để thực hiện chủ trương phân luồng đào tạo nghề, mạng lưới trường nghề trên địa bàn tỉnh ta với 15 cơ sở, trong đó 5 trường cao đẳng nghề, 9 trường trung cấp và 1 trung tâm được đầu tư và lớn mạnh không ngừng, mạng lưới phủ khắp các huyện, thành, thị, trang thiết bị máy móc và giáo viên thực hành. Thế nhưng, mỗi mùa tuyển sinh đến, các trường lại lo lắng chật vật vì thiếu học sinh.
Từ tháng 11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, theo đó, các trường cao đẳng và trung cấp nghề ngoài chức năng chính là dạy nghề trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến bậc cao đẳng nghề, còn được đào tạo về văn hóa cho các em theo diện phân luồng. Theo đó, nếu các em tốt nghiệp THCS (lớp 9) nếu vào các trường dạy nghề sẽ được học văn hóa để sau 3 năm hoặc 3 năm rưỡi sẽ được tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp tương đương trình độ THPT. Việc này nếu giao ngay cho các trường dạy nghề, nhất là trường cao đẳng nghề là việc khó. Trên thực tế, do các trường cao đẳng nghề cấp tỉnh chỉ được tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, nên nhiều trường muốn có học sinh hệ trung cấp và cao đẳng thì phải liên kết với trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp các huyện để đào tạo văn hóa cho các em, còn phần đào tạo nghề do trường cao đẳng nghề dạy.
Về phương án sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và các trung tâm kỹ thuật, hướng nghiệp và dạy nghề cấp huyện vào các trường trung cấp nghề đã được tỉnh ta đặt ra cách đây vài năm. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa có quy định nên Nghệ An cũng như nhiều địa phương vẫn phải chờ. Cũng vì tình trạng chờ đợi này mà hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp các huyện rất khó khăn vì cơ sở vật chất không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, thiếu người cũng không được bổ sung...
Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi nhận thấy việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật, hướng nghiệp và dạy nghề các huyện (đối với các huyện không có trường trung cấp nghề) vào trường trung cấp nghề các huyện là nhu cầu cần thiết và khách quan. Việc này không chỉ có lợi cho công tác phân luồng, mà còn vì lợi ích chung. Sau khi sáp nhập, nếu các em muốn học thêm kiến thức văn hóa thì đã có các thầy từ trung tâm giáo dục thường xuyên hỗ trợ và mảng hướng nghiệp, dạy nghề thì có các thầy cô thuộc trường dạy đảm trách. Vấn đề là các bậc phụ huynh và các em phải lựa chọn cơ sở đào tạo có uy tín và chọn nghề nào thật phù hợp với mình và xã hội có nhu cầu.
Hy vọng sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực và Liên bộ Nội vụ - GD&ĐT và LĐ-TBX&H có hướng dẫn thì việc sáp nhập các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh ta sẽ được đẩy nhanh hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng hướng nghiệp và đào tạo nghề theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Hà Phương