Bộ trưởng Tài chính vừa ban hành Quyết định số 520 phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2020 đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 50% tổng số các chi cục thuế hiện có trong toàn ngành. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2018 thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thuộc 63 cục thuế thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục). Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm lãnh đạo chi cục thuế cũng sẽ bị tinh giản.
Trong đó, thực hiện ghép 192 chi cục thuế thành 90 chi cục thuế khu vực (giảm 102 chi cục), hoàn thành trước 1/7/2018. Ngoài ra, thực hiện ghép 135 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành 64 chi cục thuế khu vực (giảm 71 chi cục), hoàn thành trước 1/9/2018.
Năm 2019 thực hiện sắp xếp lại 53 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 25 chi cục thuế khu vực (giảm 28 chi cục). Năm 2020 thực hiện sắp xếp lại 168 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 78 chi cục thuế khu vực (giảm 90 chi cục).
Thực hiện chủ trương của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã khẩn trương ban hành Quyết định số 855 ngày 24/4/2018 thành lập Ban chỉ đạo triển khai, đảm bảo thực hiện đề án thành lập chi cục thuế khu vực theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.
Hiện nhiều cục thuế đã chủ động báo cáo kế hoạch sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố để tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế có liên quan đến con người, được triển khai đồng bộ trong thời gian ngắn… nên không khỏi phát sinh khó khăn vướng mắc. Một số cục thuế kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có hướng dẫn thêm về nguyên tắc lựa chọn và sắp xếp lãnh đạo chi cục thuế vùng (nhất là vị trí chi cục trưởng); địa điểm đặt trụ sở mới; cơ chế hỗ trợ ban đầu đối với cán bộ phải chuyển địa điểm công tác xa nhà; đặc biệt là mối quan hệ giữa chi cục thuế vùng với cấp ủy và chính quyền quận, huyện, thị xã, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách trên địa bàn.