Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh ủng hộ việc sáp nhập sở đa ngành, nhưng theo ông cần nghiên cứu để có cách thức quản lý phù hợp.
Bộ Nội vụ đang có đề xuất với Chính phủ về hợp nhất 2 Sở Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư thành Sở Kế hoạch-Tài chính; hợp nhất Sở Giao thông, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và kiến trúc của Hà Nội và TPHCM thành Sở Hạ tầng và phát triển đô thị.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá cao đề xuất này và cho rằng vấn đề sáp nhập sở ngành cần phải tiến hành mạnh hơn nữa.
PV: Nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá việc sáp nhập sở ngành này sẽ là bước đột phá về cải cách bộ máy hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Còn quan điểm của ông về đề xuất này ra sao?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Công tác cải cách hành chính trong nhiều năm nay chúng ta đưa ra một trong những mục tiêu quan trọng đó là sắp xếp lại bộ máy cho gọn nhẹ và đơn giản các thủ tục hành chính. Bộ máy càng cồng kềnh, thủ tục hành chính sẽ càng nhiều. Càng nhiều sở ngành, đương nhiên thủ tục hành chính sẽ nhiều lên. Tôi rất đồng tình và mong muốn phải nhanh chóng đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ hơn.
Đề xuất của Bộ Nội vụ theo tôi là rất tốt, thậm chí tôi thấy cần phải làm mạnh hơn. Thực tế ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển chỉ có 12-13 bộ; còn ở ta hiện nay là 22 bộ ngành và 8 đơn vị thuộc Chính phủ, như vậy vẫn còn rất cồng kềnh.
Để làm được việc sắp xếp lại bộ máy, mấu chốt là phải rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước; Nhà nước chỉ nắm những công việc trọng yếu, còn những công việc cơ quan Nhà nước không cần thiết làm hoặc làm không hiệu quả thì chuyển giao cho các tổ chức tư nhân, tổ chức xã hội. Thông qua việc rà soát các chức năng nhiệm vụ mới tinh giản được bộ máy cũng như sắp xếp lại tổ chức.
Nếu vẫn giữ chức năng nhiệm vụ cũ thì không thể sắp xếp được. Các cơ quan sẽ còn tiếp tục kêu nhiều việc, nếu sáp nhập hoặc tinh giản biên chế, khối lượng công việc của họ sẽ càng nặng.
PV: Đề xuất việc sáp nhập sở ngành của Bộ Nội vụ tập trung vào các địa phương, tuy nhiên TPHCM - một trong 2 thành phố lớn nhất nước, lại không đồng tình với đề xuất này. Theo ông, vì sao TPHCM không đồng tình với đề xuất này, khúc mắc nằm ở đâu?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chức năng nhiệm vụ của các sở ngành, cơ quan địa phương rất lớn, vì chúng ta cứ muốn quản hết các đầu việc, trong khi không nhất thiết phải làm thế. Nghị quyết của Đảng và chương trình cải cách hành chính đã nêu rất rõ, phải rà soát lại, việc gì không cần quản, việc gì làm không hiệu quả thì chuyển giao mạnh cho các tổ chức xã hội và tư nhân, kể cả các dịch vụ.
Thực tế, các cơ quan Nhà nước đang trực tiếp thực hiện rất nhiều dịch vụ công mà chưa tập trung vào việc hoạch định chính sách. Việc chúng ta tập trung quá nhiều vào tác nghiệp và tổ chức các dịch vụ công, dẫn tới tình trạng quá tải ở nhiều cơ quan Nhà nước. Nếu sắp xếp lại và tinh giản biên chế mà không rà soát lại chức năng nhiệm vụ thì sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan Nhà nước. Khi rà soát lại chức năng nhiệm vụ, những việc Nhà nước cần tập trung làm thì giữ, việc gì cần chuyển giao thì phải chuyển sớm, có như vậy mới có thể thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy cũng như tỉnh giản đội ngũ có hiệu quả.
PV: Trước đây ta đã từng tiến hành sáp nhập bộ đa ngành, nhưng thực tế mục tiêu tinh giảm, nhỏ gọn trong bộ máy, tránh chồng chéo dường như vẫn chưa thực hiện tốt?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Cho đến nay, Đảng vẫn khẳng định Bộ đa ngành, đa lĩnh vực là rất đúng và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình triển khai việc sắp xếp đa ngành, đa lĩnh vực cũng cần rà soát kết cấu của các bộ, sở đa ngành cũng như mối quan hệ và cách thức quản lý Nhà nước đối với bộ đa ngành cho phù hợp. Nếu không làm, coi như việc sáp nhập của chúng ta đã không thành công.
PV: Liên quan đến vấn đề sáp nhập sở ngành sẽ dẫn đến dư thừa lãnh đạo, cấp phó. Vậy theo ông bài toán này cần được giải quyết ra sao?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Cần có một chế độ chính sách, giống như Hà Nội vừa rồi. Khi sáp nhập sẽ thừa rất nhiều cán bộ cấp phó, Hà Nội đã có chính sách để giải quyết tình trạng này, để không ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của các cán bộ. Do yêu cầu sắp xếp lại bộ máy nên phải thôi không làm ở vị trí lãnh đạo nữa, do vậy cần có chính sách với những đối tượng đó, có thể bảo lưu hay sắp xếp một vị trí công việc khác. Tôi thấy Hà Nội đã làm tốt việc sắp xếp này.
Còn trong quá trình sắp xếp bộ đa ngành, đa lĩnh vực cũng như ở cấp sở, cần có sự tính toán, nghiên cứu việc vận hành bộ máy đa ngành, đa lĩnh vực ra sao chứ không chỉ sáp nhập một cách cơ học.
PV: Có ý kiến cho rằng khi giải quyết vấn đề nhân sự cấp phó dôi dư cần thi tuyển công khai để những người được ở lại và người ra đi đều thấy thoải mái. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trước mắt, tôi cho rằng, vẫn giữ đội ngũ cán bộ cũ để đảm bảo sự ổn định. Trường hợp thiếu thì nên tổ chức thi tuyển. Vấn đề thi tuyển không phải bây giờ mới đặt ra, thực tế rất nhiều địa phương thời gian qua đã tổ chức thi tuyển, không chỉ cấp phó, mà cả cấp trưởng (như ở Quảng Ninh-PV).
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV